Cầu dây văng 7.300 tỷ lún võng do đặc thù?

Chủ đầu tư cầu Bạch Đằng cho biết, nguyên nhân lún võng không đến từ khai thác mà do sự chênh lệch độ cao giữa các đốt đúc dầm.

Sáng ngày 3/11/2018, nói về hiện tượng lún võng tại cầu dây văng Bạch Đằng (nối TP. Hạ Long, Quang Ninh với TP. Hải Phòng), ông Nguyễn Tiến Oánh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng cho biết, tình trạng này đã được phát hiện từ tháng 4/2018.

Thời điểm đó, cây cầu đang thi công đến giai đoạn hợp long các đốt dầm, nhà đầu tư đã phát hiện ra sự chênh lệch độ cao giữa các đốt nên có ý định tiến hành bù vênh luôn nhưng nhiều ý kiến tư vấn cho rằng cần có thời gian theo dõi, quan trắc, công trình ổn định mới tiến hành bù vênh.

Tình trạng lún võng chỉ xảy ra ở vị trí trước và sau hai khối hợp long. Tại những vị trí này có hai cánh đúc hẫng, đáng ra nó phải khít nhau khi đúc, đến lúc đổ khối hợp long sẽ bằng nhau. Nếu là cầu đúc hẫng thông thường (cầu cứng), đơn vị thi công căn chỉnh từ trước, ra đến nơi sẽ khớp luôn.

Cầu Bạch Đằng xuất hiện lún võng do chênh lệch giữa các đốt dầm sau khi hợp long?

Nhưng Bạch Đằng là cầu dây văng 3 trụ, nhất là trụ tháp ở giữa bập bềnh, việc điều chỉnh rất khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long.

“Đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm, không phải do khai thác rồi bị lún võng” - đại diện chủ đầu tư giải thích về tình trạng lún võng trên cầu Bạch Đằng.

Cũng theo ông Oánh, tình trạng này thường xảy ra ở những cây cầu dây văng, nhất là với cầu dây văng 3 trụ tháp như cầu Bạch Đằng khiến việc kiểm soát độ vênh rất khó khăn.

Trước đó, cũng trao đổi với Đất Việt về tình trạng lún võng cầu Bạch Đằng, ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, do cây cầu sử dụng nhiều cột bê tông chịu lực, dầm nên dẫn tới khả năng kết nối với nhau không đồng đều, từ đó khiến mặt cầu không bằng phẳng.

"Mặc dù vậy, điều này vẫn ở mức độ cho phép nên vẫn an toàn với người tham gia giao thông" - ông Minh khẳng định.

Giải thích kỹ hơn về hiện tượng lún võng tại cầu Bạch Đằng, ông Nguyễn Ngọc Thảo - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng cho rằng, khi xây dựng cầu đã sử dụng công nghệ phức tạp. Các nhịp cầu dài làm bằng bê tông cốt thép khi ghép vào nhau khó bằng phẳng, lực căng của dây cáp lại biến thiên không đều dẫn tới các khớp nối không đều nhau làm cho mặt cầu uốn lượn, tạo độ lún chênh lệch lớn nhất lên đến 20 cm.

Ngoài ra, ông Thảo cũng cho biết, cây cầu được thi công với thời gian gấp gáp, cộng với việc các nhà thầu Việt Nam vốn có ít kinh nghiệm nên mới xảy ra tình trạng trên. Ông Thảo thừa nhận, với tình trạng hiện nay thì việc lưu thông qua cầu với tốc độ 100km/h sẽ thiếu an toàn.

Nhiều tài xế điều khiển xe qua cầu Bạch Đằng đều cảm thấy "run tay" khi động lún của mặt cầu diễn ra với tần suất dày, cảm giác như xe có thể nhấc khỏi mặt đất bất cứ lúc nào.

Mặc dù vậy, ông Minh và ông Oánh vẫn khẳng định độ chênh lệch vẫn nằm ở mức cho phép, an toàn khi các phương tiện lưu thông với tốc độ 100km/h.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cau-day-vang-7300-ty-lun-vong-do-dac-thu-3368503/