Giới làm sách Việt tìm cách mở rộng mạng lưới phân phối

Trong những chuyến đi hội sách, chị Phạm Thủy (Đại diện truyền thông Thái Hà Books) đã gặp nhiều mẩu chuyện xúc động khi những đối tác nước ngoài tìm tới gian hàng của Việt Nam.

 Bộ sách Việt Nam dọc miền du ký (Lê Rin) tại Hội sách quốc tế Đài Bắc. Ảnh: Thái Hà Books.

Bộ sách Việt Nam dọc miền du ký (Lê Rin) tại Hội sách quốc tế Đài Bắc. Ảnh: Thái Hà Books.

Đối với giới xuất bản Việt Nam, tham gia hội sách quốc tế là cơ hội để các đơn vị trong ngành mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy giao lưu văn hóa và tri thức và khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Trong những lần xuất ngoại này, các công ty sách, nhà xuất bản đều thành công trong việc thu hút sự chú ý của nhiều đơn vị trong ngành từ nhiều khu vực khác nhau. Một số cuộc gặp mặt đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng những người làm sách.

Sách Việt trong mắt bạn bè quốc tế

Trong chuyến đi đến hội sách tại Đức năm 2023, chị Phạm Thủy (Đại diện truyền thông Thái Hà Books) đã gặp một vị khách đặc biệt. Cô ấy là một người gốc Việt Nam, sinh ra tại Đức. Mặc dù hiểu về gốc rễ nguồn cội của mình, nhưng cô gái đó chưa bao giờ có cơ hội trở về Việt Nam. Khi thấy lá cờ quê hương bay phấp phới tại hội sách, cô gái đã tìm đến và hỏi thăm.

Chị Thủy kể lại bản thân đã trò chuyện với người phụ nữ gốc Hải Phòng đó rất lâu về văn hóa, con người, phong cảnh Việt Nam. Cô gái cảm thấy xúc động trước cơ hội được hiểu thêm về nơi mình sinh ra. Thông qua những cuộc nói chuyện này chị Thủy mong đợi những người Việt xa xứ có thể tìm về quê hương của mình cũng như giới thiệu văn hóa, sách vở của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

 Chị Phạm Thủy (Đại diện truyền thông Thái Hà Books) tại Hội sách quốc tế Đài Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Phạm Thủy (Đại diện truyền thông Thái Hà Books) tại Hội sách quốc tế Đài Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đấy không phải cuộc gặp gỡ đặc biệt duy nhất mà chị Thủy có sau những chuyến đi hội sách. Vào tháng 2/2024, chị Thủy cùng các thành viên của Thái Bà Books đã đến hội sách Đài Bắc. Một đối tác nước ngoài đã tìm đến và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ẩm thực Việt Nam. Họ hứa rằng nhất định một ngày nào đó sẽ đến Việt Nam thưởng thức từng món.

“Từ cô gái người Đức đến đối tác người Trung, họ đều bất ngờ trước những gì Việt Nam mang đến hội sách và đặc biệt hơn là văn hóa, con người của đất nước ta”, chị Phạm Thủy cho biết.

Câu chuyện của chị Thủy là một minh chứng cho thấy những ấn phẩm Việt Nam có sức hút đối với độc giả các nước từ Âu sang Á. Sự độc đáo của sách văn học và sách nghiên cứu của Việt Nam nằm ở dấu ấn dân tộc, phản ánh chân thực về con người, văn hóa và lịch sử vùng miền.

Điển hình trong số tác phẩm được Việt Nam đưa tới các hội sách quốc tế là cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Thượng thư Bộ Lĩnh Lê Quang Định, một trong những bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn, đề cao tính dân tộc và tôn trọng lãnh thổ quốc gia. Bộ sách Việt Nam dọc miền du ký (Lê Rin) cũng thu hút độc giả quốc tế, đặc biệt là những ai yêu thích khám phá văn hóa Á Đông.

Nhà xuất bản Kim Đồng cũng là một đại diện tiêu biểu của ngành xuất bản Việt Nam đã tham gia nhiều hội sách quốc tế như Hội sách Frankfurt, Bologna, Tokyo, Seoul và Taipei. Tại Hội sách Frankfurt (2022), Nhà xuất bản Kim Đồng đã có gian hàng riêng để giới thiệu các ấn phẩm của mình. Mỗi năm, nhà xuất bản này đều mang đến các ấn phẩm mới, đặc biệt là các ấn phẩm dịch sang tiếng Anh để trưng bày và giới thiệu. Các tác phẩm nổi bật gồm Lược sử nước Việt bằng tranh, Đất nước gấm hoa, Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội - Ngàn năm kí ức và bộ Chang hoang dã.

Về mặt thương mại, đại diện công ty Đông A books chia sẻ trong Hội sách CODEX lần thứ 9 diễn ra tại Mỹ, nhiều ấn phẩm sách đẹp, sách giới hạn của đơn vị được bán đến độc giả quốc tế. Trong sự kiện này, công ty Đông A từ Việt Nam là một trong ba đơn vị ở châu Á góp mặt và đem tới nhiều bản in chất lượng cao.

Mở rộng mạng lưới phân phối

Bên cạnh thúc đẩy chất lượng của ấn phẩm, các nhà xuất bản, công ty sách cũng đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra và đưa sách Việt Nam ra thị trường quốc tế. Mỗi nhà xuất bản lại có những chiến lược riêng trong việc tiếp cận thị trường mới, nhìn chung, thị trường Bắc Á đang có nhiều tiềm năng hơn cả.

Tiêu biểu có thể kể đến Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm hiện rất được yêu thích tại Trung Quốc, Chang hoang dã - Gấu đã xuất bản tại 9 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... Đúng là Tết! đã có mặt tại Mỹ, Canada, Đức và Thụy Điển. Những tác phẩm này không chỉ phản ánh sự phong phú về văn hóa Việt Nam mà còn nhận được sự đón nhận tích cực từ độc giả quốc tế.

 Cuốn Lược sử nước Việt bằng tranh hiện đã được "xuất khẩu" sang thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Cuốn Lược sử nước Việt bằng tranh hiện đã được "xuất khẩu" sang thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ngoài ra, bản quyền các tác phẩm như Bỏ Điện thoại xuống nào! sang Trung Quốc và Brazil, Lược sử nước Việt bằng tranh cũng đã được nhà xuất bản Kim Đồng bán cho các đối tác tại Hàn Quốc, Trung Quốc. Một số tác phẩm văn học kinh điển và sách lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam cũng được giới thiệu đến các cộng đồng người Việt ở nước ngoài như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Những nỗ lực này giúp sách Việt Nam tiếp cận nhiều độc giả hơn, đồng thời tăng cường sự nhận diện thương hiệu trên thị trường quốc tế.

“Nhận thấy tiềm năng phát hành trên Amazon, nhà xuất bản Kim Đồng đã đăng ký phát hành sách trên sàn thương mại điện tử này. Dự kiến cuối tháng 7 này, sách Kim Đồng sẽ chính thức có mặt trên Amazon, giúp phát hành sách thuận lợi hơn đến cộng đồng Việt kiều và độc giả quốc tế”, đại diện nhà xuất bản cho biết.

Cùng các nhà xuất bản, những công ty cũng đang thúc đẩy kênh bán hàng, mạng lưới phân phối trong khu vực và quốc tế. Một trong những thành quả mới nhất có thể kể đến Chibooks ký kết với Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức Tủ sách Văn hóa Việt. Các tác phẩm như Vắt qua những ngàn mây (Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (Vũ Thế Long) dự kiến phát hành trong hai năm 2024-2025.

Đông A Books cũng mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài, hợp tác với các nhà sách tại nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Đây là bước đi chiến lược giúp thương hiệu Đông A dần được nhận diện trước khi đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Amazon.

Việc mở rộng kênh phân phối của các công ty sách và nhà xuất bản Việt Nam không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn nâng cao vị thế và thương hiệu của ngành xuất bản Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này chứng tỏ sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-chuyen-doc-duong-cua-nguoi-lam-sach-post1484828.html