Cắt giảm sản lượng 'phương tiện' đưa ông Táo về trời vì đại dịch

Vào dịp giáp tết ông Công ông Táo, làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thường tấp nập các thương lái từ khắp nơi tới thu mua.

GD&TĐ - Vào dịp giáp tết ông Công ông Táo, làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thường tấp nập các thương lái từ khắp nơi tới thu mua.

Năm nay nguồn cung cá chép đỏ bị hạn chế nên số lượng bán ra thị trường có thể giảm.

Trải qua biết bao thăng trầm từ những năm đầu thập niên 60 tới nay, nghề nuôi cá đối với người dân nơi đây không chỉ mang mục đích kinh tế mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong dịp tết đến xuân về.

Khi cá chép vượt “cổng làng"

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Tết ông Công ông Táo. Các vị Táo quân sẽ cưỡi cá chép về Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc đã xảy ra tại gia chủ trong một năm qua. Vì thế, sau khi làm lễ xong, các gia đình Việt đều cúng cá chép rồi đem thả tại ao, hồ hoặc sông để tiễn đưa ông Táo về chầu.

Vào những năm 60, người dân làng Thủy Trầm đã phát hiện một giống cá chép có màu đỏ đẹp tại sông Hồng, họ giữ lại nuôi với mục đích tâm linh ban đầu chỉ để thay thế cá chép ta cúng ông Công ông Táo do màu sắc đặc biệt của nó. Về sau khi thị trường phát triển, giống cá chép đỏ lại càng được người dân săn đón bởi theo văn hóa phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn và tài lộc, phù hợp với không khí sum vầy, ấm áp của gia đình. Ngành nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm cũng dần nổi tiếng từ đó.

Việc nuôi cá chép đỏ không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư thấp, tốn ít công sức mà thời gian chăn nuôi cũng tương đối ngắn (chỉ khoảng 4 - 5 tháng trong năm). Vì vậy mà từ quy mô nhỏ lẻ với vài hộ gia đình ban đầu, đến nay việc chăn nuôi cá đã được nhân rộng ra toàn làng, người dân còn liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã, tạo dựng nhãn hiệu tập thể.

Bên cạnh đó, họ còn chủ động chuyển đổi các ao nuôi cá cảnh thành ao nuôi cá sinh sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng giá trị sinh sản của cá giống, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để kết nối các mối hàng qua Internet. Từ đó, những con cá chép đỏ khỏe mạnh, màu sắc đẹp đã vượt “cổng làng" Thủy Trầm để đến các tỉnh thành miền Bắc lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định,... hay thậm chí, tới cả những tỉnh miền Trung.

Vào tháng 12 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu loài cá này trên phạm vi toàn quốc.

Vào những ngày cận Tết, người dân lại tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới, bắt cá.

Cá đang được đánh bắt tại ao để đưa về bể.

Cá sẽ được thả vào các bể nước để thích nghi trước khi cung cấp ra thị trường.

Thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng với mẫu mã đẹp, đều màu, vây khỏe.

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo"

Nghề nuôi cá chép đỏ đã giúp Thủy Trầm từ một vùng quê nghèo đói, thuần nông, tự cung tự cấp khi xưa thành làng quê trù phú, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Vào những năm được giá, người dân có thể thu về trung bình 100 nghìn - 150 nghìn đồng/kg cá. Hiện nay, bình quân mỗi hộ có từ 2 đến 3 ao nuôi thả cá, thu nhập khoảng 5 - 10 triệu đồng/hộ từ cá chép đỏ. Nghề nuôi cá đã giúp người dân Thủy Trầm nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo để vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn nơi đây cũng vì thế mà nhanh chóng khởi sắc.

Ông Huy Luận - chủ một trang trại sản xuất cá tại làng Thủy Trầm cho biết, việc chăn nuôi chép đỏ không quá cầu kỳ như những loại cá khác, chu kỳ sản xuất lại ngắn nên gia đình ông mạnh dạn đầu tư đất để đào ao thả cá. Nhờ con cá chép đỏ, gia đình ông Luận nói riêng và nhiều hộ gia đình khác tại làng Thủy Trầm nói chung đã có một cuộc sống khấm khá hơn.

Thủy Trầm rực đỏ với những ao cá dọc đường xung quanh làng.

Cả thôn có gần 400 hộ thì đã có tới 350 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao hồ hơn 30 ha.

Sắc đỏ của cá chép đã mang tới tài lộc, phát đạt cho người dân nơi đây.

Khó khăn của người chăn nuôi cá trong mùa dịch

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề mà hoạt động kinh doanh cá chép đỏ Thủy Trầm cũng không phải ngoại lệ.

Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt tại địa phương, tuy nhiên người dân không tránh khỏi lo lắng bởi các thương lái từ những tỉnh khác không thể đến lấy hàng. Công tác vận chuyển đi khắp nơi cũng gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Tỷ lệ chăn nuôi cá chép đỏ để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới vì vậy mà chỉ bằng ½ mọi năm, nhiều hộ đã thu hẹp diện tích chăn nuôi do lo ngại dịch bệnh từ các năm trước.

“Trang trại nhà tôi mọi năm nuôi tới 1 tấn cá, nhưng năm nay vì dịch mà gia đình cũng không dám đầu tư lớn, chỉ nuôi 500kg cá cho mùa vụ này" ông Luận chia sẻ.

Để thích ứng linh hoạt trong mùa dịch, người dân nơi đây cũng chủ động chăn nuôi những giống cá thương phẩm khác, trồng thêm hoa màu trên bờ ao bên cạnh việc kinh doanh cá chép đỏ.

Có thể thấy, dù khó khăn còn đó, người dân làng Thủy Trầm vẫn cố gắng duy trì ngành nghề truyền thống này. Bởi đối với họ, cá chép đỏ không chỉ mang tính chất thương mại mà nó còn là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo dự đoán của nhiều tiểu thương, năm nay nguồn cung cá chép đỏ bị hạn chế nên số lượng bán ra thị trường có thể giảm đi một nửa so với vụ cá Tết Tân Sửu 2021.

Người dân trồng trọt và buôn bán rau để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch.

Nghề nuôi giống cá “linh” nơi đây đã đóng góp không nhỏ vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thang-tram-nghe-nuoi-ca-chep-do-thuy-tram-ugoeVh1ng.html