Tham gia Lễ hội Áo dài du lịch năm 2024 có sáu nghệ nhân, 85 nhà thiết kế nổi tiếng đến từ khắp ba miền: bắc, trung, nam.
Không gian của Hoàng thành Thăng Long được thiết kế thành không gian tôn vinh nét đẹp áo dài, với hơn 100 gian hàng của các nhà thiết kế, nghệ nhân, các tổ chức du lịch và các địa phương trên địa bàn thành phố.
Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ diễn ra Carnaval Áo dài. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp đồng diễn và diễu hành quy mô lớn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội triển khai tổ chức nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến đông đảo người dân, bạn bè và du khách quốc tế, mọi độ tuổi, giới tính.
Dự kiến sẽ có hơn 1000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành qua các tuyến đường quanh khu vực Hoàng thành Thăng Long và đi qua các di sản nổi tiếng. Cùng lúc đó, tại nhiều địa phương trên toàn thành phố cũng diễn ra chương trình đồng diễn áo dài.
Hơn 1.000 đại biểu trong trang phục áo dài tham gia diễu hành từ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long về Quảng trường Ba Đình, qua các tuyến phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Với chủ đề “Duyên dáng áo dài Hà Nội”, chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện; thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 1014 năm Thăng Long - Hà Nội; 94 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 được thực hiện với mong muốn lan tỏa tình yêu Hà Nội, yêu áo dài, sớm đưa áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời quảng bá vẻ đẹp, văn hóa, con người Hà Nội, kết nối du lịch Hà Nội, kết nối từ quá khứ đến hiện tại, hướng tới tương lai. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Điểm nhấn là chương trình đồng diễn dân vũ với áo dài trên nền các ca khúc “Người Hà Nội - Tiến về Hà Nội - Hà Nội những công trình” của 1.014 phụ nữ Thủ đô. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Những tà áo dài truyền thống đa sắc màu mang đậm dấu ấn vùng miền dạo khắp phố phường Thủ đô thể hiện tình yêu, niềm tự hào về tà áo dài và những nét đẹp danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tà áo dài Việt vẫn còn mãi với thời gian. Hình ảnh những người phụ nữ Thủ đô trong tà áo dài, cầm cờ hoa cùng nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô vào mùa thu tháng mười 70 năm về trước để lại những dấu ấn không phai mờ về khát vọng hòa bình, tinh thần, ý chí của Hà Nội. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Lễ hội được kỳ vọng sẽ mang đến một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo và trở thành sản phẩm du lịch thường niên của Hà Nội vào mùa thu, với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Thông qua các hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội năm 2024, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
aLễ hội áo dài thu hút nhiều du khách quốc tế dõi theo và ghi lại khoảnh khắc hiếm gặp với họ. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN