Cấp xã làm chủ đầu tư: Năng lực chưa đảm bảo!?

ĐBP - Tăng cường phân cấp cho xã làm chủ đầu tư dự án cơ sở hạ tầng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình 135. Ðây cũng là một trong những nguyên tắc, đồng thời là cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay rất nhiều xã trong tỉnh chưa được các huyện giao làm chủ đầu tư.

Tuyến đường bản Chua Ta A đi trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) có tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, tuy nhiên vẫn do huyện làm chủ đầu tư.

Tuyến đường bản Chua Ta A đi trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) có tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, tuy nhiên vẫn do huyện làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định 900/QÐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Ðiện Biên có 103 xã thuộc 8 huyện (trừ TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ). Ngoài ra, theo Quyết định 414/QÐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban Dân tộc về danh sách các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, tỉnh ta có 36 thôn, bản nằm rải rác trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà và TX. Mường Lay.

Từ năm 2013, Ủy ban Dân tộc đã có Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-BNNPTNT-BKHÐT-BTC-BXD về hướng dẫn thực hiện Chương trình 135. Thông tư quy định rõ: Tăng cường phân cấp cho UBND xã quản lý công trình, dự án của Chương trình 135. Ðến năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 161 về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đối với những dự án quy mô nhóm C, có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã thì do xã quản lý, làm chủ đầu tư. Căn cứ Nghị định trên, năm 2017, Ủy ban Dân tộc tiếp tục ban hành Thông tư số 01/2017/UBDT quy định chi tiết thực hiện dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có hướng dẫn thực hiện phân cấp xã làm chủ đầu tư các dự án, trao quyền tự chủ cho cộng đồng gắn với nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, đảm bảo “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”.

Ðã có những quy định rõ ràng, thế nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh, nhiều huyện vẫn chưa giao cho xã làm chủ đầu tư công trình, dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng. Ðiển hình như huyện Tuần Giáo có 18 xã thuộc Chương trình 135 nhưng đến nay chưa xã nào được huyện giao quyền làm chủ đầu tư hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà hầu hết các dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án huyện thực hiện. Theo lý giải của ông Lò Văn Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tuần Giáo (phụ trách Chương trình 135) thì có nhiều lý do dẫn đến các xã chưa được giao làm chủ đầu tư, trong đó năng lực cán bộ cấp xã còn hạn chế là nguyên nhân chính.

Tương tự, huyện Ðiện Biên Ðông có 13 xã và 3 tổ dân cư 1, 3, 4 của thị trấn Ðiện Biên Ðông được thụ hưởng Chương trình 135 nhưng chưa xã nào được phân cấp quyền làm chủ đầu tư dự án cơ sở hạ tầng. Lý do được cơ quan chức năng huyện đưa ra là năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã còn hạn chế, nếu giao làm chủ đầu tư sẽ khó thực hiện, thậm chí sẽ khó quyết toán dự án hoàn thành. Ðược biết, trước đây huyện Ðiện Biên Ðông đã từng giao quyền chủ đầu tư cho 2 xã Keo Lôm và Mường Luân thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, lần đầu được giao làm chủ đầu tư nên lãnh đạo các xã gặp nhiều khó khăn, lúng túng, thậm chí còn không biết bắt đầu thực hiện từ đâu, như thế nào. Vì vậy, tuy danh nghĩa UBND xã là chủ đầu tư dự án nhưng mọi việc đều do các phòng chuyên môn của huyện đứng ra chỉ đạo, thậm chí trực tiếp thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Ðịnh, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Hiện nay có rất ít xã được giao làm chủ đầu tư hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2016 có 9/98 xã được giao làm chủ đầu tư; năm 2017 có 21/103 xã; năm 2018 có 20/103 xã và đến tháng 5/2019 mới có 52/103 xã được giao làm chủ đầu tư. Trên thực tế, mặc dù xã được giao chủ đầu tư nhưng hầu hết do phòng chuyên môn của huyện đứng ra chỉ đạo, làm thay. Nguyên nhân chủ yếu là năng lực, trình độ cán bộ cấp xã còn yếu. Công tác lập hồ sơ dự toán, cho đến thi công, quyết toán công trình hiện nay rất nhiều thủ tục hành chính, xã không đủ năng lực để thực hiện. Nhiều công trình, dự án cho thấy việc phân cấp đang thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, khiến hiệu quả rất thấp; hoặc gây lãng phí do không căn cứ từ nhu cầu thiết thực của người dân.

Phân cấp đầu tư dự án cơ sở cho cấp xã là một chủ trương đúng đắn, song đội ngũ cán bộ cấp xã cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện vai trò chủ đầu tư. Từ thực tế đã triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, năng lực cán bộ cấp xã còn hạn chế là trở ngại chính để thực hiện phân cấp đầu tư, quản lý các công trình thuộc địa bàn xã.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/170422/cap-xa-lam-chu-dau-tu-nang-luc-chua-dam-bao