Cặp Gepard 3.9 thứ ba của Việt Nam sẽ có cấu hình vũ khí mạnh hơn phương án Nga đề xuất

Mặc dù phương án hiện đại hóa tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mà Nga từng giới thiệu là rất ấn tượng, tuy nhiên nó vẫn còn có thể trở nên mạnh hơn.

Hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã có trong biên chế đầy đủ 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 do Nga chế tạo, trong đó 2 chiếc tiếp theo có khá nhiều cải tiến, đặc biệt là ở khả năng chống ngầm cũng như một số chỉnh sửa ở phần thượng tầng nhằm nâng cao khả năng tàng hình.

Báo chí quốc tế dự đoán rằng trong tương lai không xa, Việt Nam có thể ký hợp đồng đóng tiếp cặp hộ vệ hạm này với cấu hình vũ khí mạnh hơn rất nhiều. Như một động thái mang tính chất "chào hàng", Nga đã giới thiệu mô hình của tàu Gepard 3.9 nâng cấp với hy vọng nó sẽ lọt vào tầm ngắm của khách hàng tiềm năng.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 nâng cấp với cấu hình vũ khí mạnh nhất. Ảnh: Sputnik.

Căn cứ vào mô hình chi tiết, dễ nhận thấy phiên bản Gepard 3.9E này sở hữu kích thước lớn hơn và có hỏa lực đối hạm, đối không và chống ngầm rất lợi hại vì trên tàu có thêm không gian để bố trí.

Cụ thể, phía trước tàu có bệ phóng đa năng UKSK, tích hợp 8 đạn tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54E Klub-N tầm bắn 220 km, tốc độ lớn nhất Mach 2,9, mang theo đầu đạn nặng 200 kg.

Ở chính giữa là 16 bệ phóng thẳng đứng của tên lửa 9M317ME thuộc tổ hợp Shtil-1 tầm bắn 50 km. Ngoài chức năng phòng không thì nó có thể đảm nhiệm vai trò tên lửa chống hạm tầm ngắn nhờ hoán đổi chức năng tấn công mục tiêu bám biển.

Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm, 1 pháo hạm AK-176MA với tháp pháo tàng hình hóa và 2 pháo phòng không siêu tốc AK-630M.

Tên lửa đánh chặn 9M96E (ngắn) và 9M96E2 (dài) của hệ thống phòng không hạm tàu Redut. Ảnh: TASS.

Mặc dù sức mạnh của chiếc Gepard 3.9E này đã vượt trội 2 cặp đầu tiên, thậm chí còn qua mặt nhiều chiến hạm 4.000 tấn khác, tuy nhiên nó vẫn còn tiềm năng để trở nên mạnh mẽ hơn.

Tàu đã mang theo tên lửa chống hạm tốt nhất của Nga vào thời điểm hiện tại nhưng tên lửa phòng không của nó lại tương đối lạc hậu, Hải quân Nga bây giờ không còn tin dùng hệ thống Shtil-1 nữa mà họ quay sang lựa chọn Redut sử dụng đạn 9M96E và 9M96E2.

Trong đó tên lửa tầm trung 9M96E có tầm bắn 1 - 40 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 20 km; trọng lượng 333 kg; mang theo đầu đạn nặng 24 kg. Còn 9M96E2 là phiên bản nối dài, tầm bắn của nó nằm trong khoảng 1 - 120 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu 0,005 - 30 km; trọng lượng 420 kg và đầu đạn vẫn là 24 kg như 9M96E.

Nhờ cơ chế dẫn đường radar chủ động mà xác xuất bắn trúng bằng 1 đạn duy nhất đối với mục tiêu bay tàng hình có diện tích phản xạ radar thấp, đặc tính vận động cao của tên lửa 9M96E và 9M96E2 lên tới 90%. Ngoài ra chức năng tấn công mục tiêu mặt biển của hai loại đạn trên vẫn còn nguyên.

Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn khiến cơ số đạn tên lửa phòng không có thể nâng lên thành 24 quả. Sử dụng 2 loại đạn đánh chặn khác biệt, chiến hạm còn tùy chọn được đối với từng mục tiêu khác nhau để đảm bảo tính kinh tế.

Rõ ràng nếu được trang bị hệ thống Redut thay vì Shtil-1, năng lực phòng không của Gepard 3.9 sẽ còn cao hơn nhiều so với cấu hình được giới thiệu ở trên, đây là phương án mà Việt Nam rất nên đàm phán nếu có ý định đặt đóng cặp thứ ba.

Bên cạnh đó, hiện tại Nga đã có ý định bán cho khách hàng nước ngoài phiên bản tên lửa Kalibr có tầm bắn vượt trên 300 km, đây rõ ràng là thông tin cực kỳ đáng chú ý vì nó sẽ nâng cao gấp đôi năng lực chống hạm của Gepard 3.9.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/cap-gepard-3-9-thu-ba-cua-viet-nam-se-co-cau-hinh-vu-khi-manh-hon-phuong-an-nga-de-xuat/20190925054137142