Cao Bằng: Bảo Lâm thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm đã đổi thay, diện mạo nông thôn từng ngày khởi sắc.

Cầu bê tông vào xóm Bản Mỏ, xã Mông Ân (Bảo Lâm) được xây dựng kiên cố.

Huyện Bảo Lâm có dân số trên 64 nghìn người, trong đó DTTS chiếm trên 98%. Kinh tế địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên tập quán canh tác, phương thức sản xuất lạc hậu, điều kiện giao thông, thủy lợi... còn hạn chế nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Qua 5 năm (2014 - 2019) thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, điện đã được đưa về thắp sáng các bản vùng cao, nhiều con đường bê tông nối liền các xóm, xã tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, trao đổi hàng hóa, nông sản; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Từ Chương trình 135 và các chương trình khác, huyện đã đầu tư xây dựng 92 công trình ở 14/14 xã, thị trấn. Trong đó có 31 công trình giao thông nông thôn, 21 công trình thủy lợi, 9 công trình nước sinh hoạt, 21 công trình nhà văn hóa... Hỗ trợ trên 22 tỷ đồng cho 2.669 hộ mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, máy móc để phát triển sản xuất. Đầu tư trên 7,5 tỷ đồng xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 2.000 hộ nghèo mua téc đựng nước và vòi dẫn nguồn nước tự chảy để thực hiện chương trình nước sinh hoạt phân tán.

Thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số vốn giao trên 20 tỷ đồng, huyện đã bố trí cho các hộ dân vay đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác để hội viên, đoàn viên vay phát triển kinh tế. Ông Sẩn Phù Nhàn, dân tộc Dao, xã Lý Bôn cho biết: Từ số vốn Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình tôi đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi trâu, bò nên đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng, có điều kiện mua sắm máy móc, vật dụng sinh hoạt và lo cho các con ăn học.

Với nguồn vốn giao 92 tỷ đồng thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015, huyện Bảo Lâm đã triển khai thực hiện 6 dự án định canh định cư ở các xóm: Lũng Liềm (xã Yên Thổ), Nặm Tầu, Sác Ngà (xã Thạch Lâm), Én Ngoại (xã Vĩnh Phong), Phja Cò, Bản Bung (xã Nam Cao), Nà Mí (xã Lý Bôn), Bản Miều (xã Vĩnh Quang). Các dự án tập trung vào các hạng mục san gạt mặt bằng, giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, trường lớp học..., đã tạo đà thúc đẩy cho Bảo Lâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, được hưởng lợi từ chương trình 30 a, xã Yên Thổ được đầu tư các công trình hạ tầng điện, đường, thủy lợi...; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích, vận động người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Hiện, 18/19 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm, 15/19 xóm có điện lưới quốc gia; số hộ nghèo giảm từ 614 hộ (năm 2015) đến nay còn 344 hộ/1.044 hộ; thu nhập bình quân đầu người tăng 9,9 triệu đồng (năm 2016) lên 12,2 triệu đồng (năm 2018). Chủ tịch UBND xã Yên Thổ Hoàng Văn Thiết khẳng định: Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thực sự là “đòn bẩy” giúp cho người dân trong xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo; các công trình hoàn thành tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần quan trọng để xã thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về hạ tầng, cơ sở vật chất, các chương trình định canh định cư, kiến tạo nương rẫy bậc thang... đã hạn chế được phần lớn tình trạng người dân di cư tự do, đem lại diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Vũ Ngọc Lưu cho biết: Thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện. Huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo vùng DTTS giảm từ 65,93% (năm 2014) xuống còn 51,27% (năm 2018). Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 80% hộ dân vùng núi có điện lưới sinh hoạt; cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do; 100% xã có nhà văn hóa và bưu điện văn hóa; gần 95% xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Hạnh Mai

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cao-bang-bao-lam-thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-72164