Cạnh tranh bình đẳng

Chuyện gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La từ mùa thi năm trước vẫn còn 'nóng' trên báo chí mấy ngày qua. Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình gửi danh sách thí sinh liên quan gian lận điểm thi Trung học phổ thông (THPT) 2018 cho 20 trường đại học, nhiều sinh viên được nâng điểm đã bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, hoặc bị buộc thôi học.

Thí sinh làm bài thi. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Cụ thể, ngày 9-4, Bộ Công an đã buộc thôi học và trả về địa phương 28 sinh viên liên quan gian lận thi THPT quốc gia 2018 đã trúng tuyển vào các trường Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy. Các trường đại học khác đang tiếp tục rà soát, xử lý gian lận như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội... xóa tên các sinh viên liên quan đến gian lận.

Gần một năm qua, dư luận cả nước dõi theo việc xử lý gian lận thi cử của cơ quan chức năng tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Vào thời điểm ấy, chỉ có tỉnh Hà Giang khôi phục ngay được điểm thật của thí sinh. Mãi đến cuối tháng 3-2019, danh tính 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm khống mới được Bộ GD&ĐT xác định và chuyển xuống các cơ sở GD&ĐT liên quan để xử lý.

Việc công khai danh tính những thí sinh gian lận điểm tuy chậm nhưng phần nào trấn an các bậc phụ huynh khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang đến gần. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là biện pháp phòng ngừa gian lận thi cử trong mùa thi năm nay.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định mục tiêu nghiêm túc, công bằng, siết chặt các biện pháp ngăn ngừa gian lận được Bộ đặt lên hàng đầu trong mùa thi năm nay. Bộ GD&ĐT cũng cam kết: Gian lận thi cử thì dù có sử dụng công nghệ cao đến đâu cũng sẽ bị phát hiện. Bộ quyết tâm không để sinh viên “ngồi nhầm chỗ” nhờ gian lận trong thi cử.

Thực tế, không phải gian lận trong thi cử mới xảy ra ở mùa thi năm ngoái mà căn bệnh này đã có từ rất lâu. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nguyên nhân chính là từ căn bệnh thành tích. Nhiều bậc phụ huynh quá quan tâm đến điểm số, bằng cấp của con em mình, gây áp lực lớn cho học sinh về điểm số, đỗ đậu.

Thế nên, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua chuộc người coi thi, chấm điểm, trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay môi giới gian lận và hình thành thị trường ngầm gian lận thi cử. Bên cạnh đó, kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt thi, sử dụng chung kết quả) vô hình trung đã “kích thích” căn bệnh thành tích của nhiều địa phương, thông qua con số thi đỗ đại học, học sinh giỏi...

Có ý kiến cho rằng nếu các địa phương thực hiện đúng quy định thì kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Ngược lại, dù quy định, quy trình có chặt chẽ đến mấy, nhưng con người có ý đồ thực hiện gian lận thì khó có thể bảo đảm tính nghiêm túc.

Dư luận đặt kỳ vọng vào những giải pháp để phòng ngừa gian lận của Bộ GD&ĐT đưa ra trong kỳ thi năm nay như: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật xử lý bài thi, chấm thi và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm; đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả khâu của các kỳ thi; tăng cường sự phối hợp của các trường đại học trong công tác tổ chức thi...

Bài học từ vụ gian lận thi cử là lời cảnh tỉnh cho tất cả các thí sinh, phụ huynh và những người làm nhiệm vụ trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nhưng để xóa tận gốc căn bệnh gian lận trong thi cử, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thi cử, gắn với việc đổi mới phương pháp dạy và học để học sinh học thật, thi thật.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/canh-tranh-binh-dang/