Bên dưới kinh đô ánh sáng Paris (Pháp), những bức tường phủ đầy xương người, chứa đựng những bí ẩn rùng rợn khiến du khách phải rợn tóc gáy.
Paris nổi tiếng với các công trình biểu tượng được xây dựng từ đá vôi. Loại đá này được khai thác từ mạng lưới mỏ đá ngầm khổng lồ có từ thời Trung Cổ. Những đường hầm này kéo dài gần 322 km và hiện bị cấm tiếp cận, nhưng vẫn thu hút những người khám phá đô thị trái phép, hay còn gọi là "cataphile". Những mỏ đá cũ này từng là nơi tổ chức các buổi tiệc disco, triển lãm nghệ thuật và rạp chiếu phim bí mật. Ảnh: Stephen Alvarez.
Thuật ngữ “cataphile” xuất phát từ "catacombs", hầm mộ lớn chứa hài cốt của khoảng 6 triệu người dưới quận 14 phía nam Paris. Đây là nơi duy nhất hợp pháp để khám phá các đường hầm dưới lòng đất và cũng là một điểm thu hút du khách nổi tiếng. Hầm mộ này có nguồn gốc từ sự kiện sụt lún năm 1774 khi Vua Louis XVI bổ nhiệm kiến trúc sư Charles-Axel Guillaumot làm Thanh tra Mỏ đá để gia cố các đường hầm ngầm dưới Paris. Ảnh: Flickr.
Vài năm sau sự cố hố sụt, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra khi bức tường bên cạnh nghĩa trang Cimetìere des Innocents sụp đổ. Điều này khiến hầm rượu lân cận ngập tràn xác chết như một hố chôn tập thể. Nghĩa trang lớn nhất Paris, hoạt động từ thế kỷ 10, đã quá tải và mất vệ sinh, buộc vua phải ra lệnh xây dựng các nghĩa trang mới ngoài thành phố. Các thi thể được khai quật và chuyển đến nơi an nghỉ mới dưới lòng đất, lấy cảm hứng từ hầm mộ của Rome. Ảnh: Stephen Alvarez.
Tại đây, các công nhân xếp các hộp sọ, xương chày, xương đùi thành những bức tường. Các bảng khắc ghi rõ tên nghĩa trang gốc và ngày chuyển hài cốt. Les Catacombes de Paris mở cửa cho công chúng vào năm 1809, với lối vào được đánh dấu bằng dòng chữ: “Dừng lại! Đây là đế chế của cái chết”. Hầm mộ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút hoàng đế Francis I của Áo và Napoleon III. Ảnh: Flickr.
Nhiếp ảnh gia lừng danh Gaspard-Félix Tournachon đã thí nghiệm tại đây với những bức ảnh đầu tiên sử dụng ánh sáng nhân tạo trong suốt 3 tháng vào năm 1861. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ động thực vật phát triển trong bóng tối. Nhà tự nhiên học Armand Viré thậm chí đã phát hiện ra loài giáp xác sống trong hầm mộ. Ảnh: Flickr.
Kể từ khi ra mắt năm 1900, mạng lưới tàu điện ngầm Métropolitain của Paris đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân thành phố. Không chỉ là hệ thống giao thông công cộng nhanh chóng, hiệu quả mà còn là biểu tượng văn hóa và di sản được bảo tồn bởi RATP (cơ quan quản lý giao thông Paris). Các nhà ga dưới lòng đất tràn ngập nghệ thuật từ Pont Neuf với đồng xu gốm khổng lồ đến ga Arts et Métiers với thiết kế như tàu ngầm. Ảnh: Alamy.
Một điểm đặc biệt là các "nhà ga ma" từng hoạt động nhưng bị bỏ hoang từ Thế chiến thứ hai, như Saint-Martin, vẫn giữ nguyên nét hoài cổ với những quảng cáo cổ điển. Dù không còn hoạt động, du khách khi đi tàu Métro vẫn có thể thấy một điều bí ẩn. Bên trong những cánh cửa bị khóa kín, các hành lang vẫn giữ nguyên vẻ hoài cổ của thời kỳ hậu chiến. Đôi khi, các nhà ga bỏ hoang này được sử dụng như một phòng trưng bày để thử nghiệm các định dạng quảng cáo khác nhau, làm sáng lên không gian u ám dưới lòng Paris. Ảnh: Stephen Alvarez.
Hệ thống cống ngầm của Paris từ lâu đã thu hút sự tò mò của công chúng. Lần đầu tiên du khách đến thăm cống ngầm vào tháng 5/1867 trong Triển lãm Quốc tế. Nhu cầu tham quan tăng cao đến mức sau đó, những toa xe sang trọng đã được chế tạo để đưa công chúng đi sâu xuống lòng đất. Trước đây, nước thải từng chảy tràn trên các con phố của Paris. Một đợt dịch tả kéo dài sáu tháng vào năm 1832 đã cướp đi 19.000 sinh mạng, thúc đẩy sự quan tâm đến vệ sinh trong quy hoạch đô thị. Ảnh: Snippet of History.
Dưới sự chỉ đạo của Nam tước Haussmann và kỹ sư Eugène Belgrand, hệ thống cống ngầm được hiện đại hóa và vẫn hoạt động đến ngày nay. Hiện nay, mạng lưới cống dài 2.670 km này còn được ví như "hai chuyến đi khứ hồi giữa Paris và Marseille". Các công nhân vệ sinh duy trì hệ thống này, giúp thành phố vận hành cho hàng triệu cư dân và du khách. Ảnh: Université De Caen Normandie.