Cảnh báo tình trạng đuối nước trong mùa Hè

BHG - Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 4.2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ đuối nước làm chết 6 người, điển hình là: Tháng 10.2021, 8 em học sinh Trường THPT Bắc Mê đi thuyền qua hồ thủy điện thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) giúp nhà bạn gặt lúa, không may lật thuyền khiến 4 em học sinh tử vong. Trong những tháng đầu năm 2022, tại huyện Vị Xuyên xảy ra 2 vụ đuối nước làm chết 2 người, nạn nhân là các em học sinh độ tuổi từ 15-17 tuổi.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước.

Các sông, suối ở Hà Giang thường có dòng chảy xiết, có nhiều hang ngầm dưới mặt nước sâu, độ hút lớn nên khi chìm xuống nạn nhân dễ bị hút vào hang, không thể bơi ra được dẫn đến tử nạn. Tất cả các vụ tai nạn đuối nước trên, ngay sau khi tiếp nhận thông tin có vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh đã nhanh chóng cử cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện khẩn trương đến tiếp cận hiện trường nhưng không phải trường hợp nào cũng có kết quả như mong muốn. Trung tá Nguyễn Văn Tỵ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Nguyên nhân các vụ trẻ em bị đuối nước do môi trường sống xung quanh luôn có những yếu tố, nguy cơ tiềm ẩn như: Chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm; tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, các hố ao sâu không có rào chắn và cắm biển báo nguy hiểm… là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước. Một phần do trẻ chưa nhận thức được mối nguy hiểm về đuối nước, trẻ chưa được dạy và học các kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước cũng như xử lý các tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, là sự thiếu quan tâm giám sát, nhắc nhở của các bậc phụ huynh; nhiều phụ huynh chủ quan khi đưa con tới các điểm vui chơi, bơi lội xong phó mặc cho các nhân viên trong bể bơi quản lý còn phụ huynh thì làm việc riêng…

Để phòng tránh, ngăn ngừa các vụ đuối nước thương tâm tiếp tục xảy ra cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, cộng đồng, gia đình và bản thân trẻ em. Trong đó lưu ý: Không bơi tại những nơi nguy hiểm như ao, hồ, sông, suối. Tới những nơi được bảo đảm an toàn như bể bơi, nơi có biển báo an toàn, nơi có người giám hộ. Tham gia học các lớp dạy bơi, các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước… Cùng với đó, lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước tại cộng đồng. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, tăng cường giám sát trẻ trong thời gian nghỉ Hè, mùa mưa lũ, hướng dẫn cho trẻ xác định những yếu tố, địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Thường xuyên rà soát, phát hiện các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời và có biện pháp đảm bảo an toàn phù hợp. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực phòng, chống đuối nước và mở các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng xử lý tình huống dưới nước cho trẻ em trong dịp Hè… Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước và hậu quả đáng tiếc do đuối nước gây ra cho gia đình, xã hội.

Bài, ảnh: Diệu Loan - Nguyễn Thiện

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202205/canh-bao-tinh-trang-duoi-nuoc-trong-mua-he-3461fb4/