Cẩn thận với máy cắt cỏ

Thời gian gần đây xảy ra không ít vụ tai nạn lao động nông nghiệp nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến máy cắt cỏ.

Ngày 25/10 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã cứu sống thành công bệnh nhân M.V.D. ở xã Đắk Som (Đắk Glong) bị lưỡi dao cắt cỏ cắm sâu vào thành ngực trái. Trước đó, trong lúc đi cắt cỏ, không may lưỡi dao máy cắt va vào đá, gãy văng lên cắm sâu vào thành ngực trái của bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch, huyết áp không đo được, đau tức ngực dữ dội, khó thở. Qua nỗ lực của đội ngũ gần 10 y bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân đã được cứu sống và qua cơn nguy kịch.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị tai nạn trong quá trình lao động nông nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian gần đây. Theo bác sĩ Phan Tuấn Nam, Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, hàng tuần bệnh viện tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn lao động. Hầu hết là tai nạn trong lao động nông nghiệp, trong đó các trường hợp nhập viện cấp cứu do bị tai nạn khi sử dụng máy cắt cỏ có chiều hướng tăng.

Ê kíp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân M.V.D

Hiện nay, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được sử dụng phổ biến, ở tất cả các khâu như máy cày, máy bừa, máy cắt cỏ,... Với máy cắt cỏ, hiện nay, người dân chủ yếu dùng lưỡi cắt bằng kim loại, khi va vào đá, vật cứng dễ bị mẻ, văng lên và găm vào các bộ phận của cơ thể.

Trường hợp của bệnh nhân B.C.M (SN 1994) trú tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công. Trước đó, trong khi dùng máy cắt cỏ, lưỡi cắt vô tình va phải đoạn thép, làm văng lên và cắm sâu vào cổ của anh M. Nghiêm trọng hơn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông từng ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị cắt lìa chân do máy cắt cỏ.

Hình ảnh chụp X-quang của bệnh nhân B.C.M bị đoạn thép văng lên và cắm sâu vào cổ trong lúc sử dụng máy cắt cỏ (ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cung cấp)

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu xuất phát từ việc phần lớn người lao động thường làm việc theo thói quen, kinh nghiệm mà ít được đào tạo bài bản. Điều đó dẫn tới việc thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Cũng với tâm lý sản xuất theo thói quen, nhiều người dân thường bỏ qua việc sử dụng các dụng cụ che chắn, bảo hộ lao động.

Hiện nay, phần lớn người lao động trong sản xuất nông nghiệp đều thường làm việc theo thói quen, kinh nghiệm mà ít qua đào tạo nghề

Theo ông Huỳnh Lành, thôn Tân Bình, xã Đắk R'moan (TP. Gia Nghĩa), bản thân và hầu hết nông dân ở khu vực ông sinh sống đều tự học cách hướng dẫn sử dụng máy cắt cỏ trên mạng hoặc nhờ người khác chỉ cho. Trước kia, ông Lành cũng sử dụng máy cắt cỏ có lưỡi cắt kim loại. Tuy nhiên, sau 1 lần bị thương ở chân do mảnh vỡ lưỡi cắt cỏ, ông đã ngưng sử dụng và chuyển qua dùng lưỡi cước.

Ông Lành chia sẻ: “Trước kia, sử dụng lưỡi cắt cỏ bằng sắt tôi chỉ tốn 50 ngàn đồng, sử dụng được trong khoảng 1 tháng. Hiện tại dù mỗi lần sử dụng đều phải thay dây cước, chi phí thay dây tốn khoảng 10 ngàn đồng/1 lần nhưng tôi cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng”.

Lưỡi cắt bằng sợi cước được ông Lành sử dụng thay thế cho lưỡi cắt bằng kim loại nhằm bảo vệ an toàn trong lao động

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để hạn chế tai nạn và phòng tránh được những rủi ro khi tham gia lao động, mỗi người dân chủ động nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ bản thân. Người dân nên chủ động trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, kiểm tra thường xuyên và thay mới các thiết bị, dụng cụ lao động đã cũ.

Bên cạnh sự chủ động của người dân trong việc bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân,...

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/can-than-voi-may-cat-co-185896.html