Cân nhắc giữa bài toán lãi suất và tỷ giá
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong hai quý cuối năm 2025, chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì. Mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, song áp lực tỷ giá là rào cản chính sách đáng lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM
Phụ thuộc lớn vào ngân hàng
Tín dụng cải thiện trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong nửa còn lại của năm 2025 khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, giữ ổn định mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay (tương đương 2,5 - 3 triệu tỷ đồng vốn) được bơm ra nền kinh tế, trong khi thực tế đến cuối tháng 5 mới đạt hơn 6%, ngành ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu.
Đối với kênh bất động sản, hiện đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người trẻ mua nhà, như các ngân hàng tung ra các gói vay ưu đãi lãi suất 5,5%/năm cho người dưới 35 tuổi. Đây là tín hiệu tích cực và dòng tiền có thể chảy mạnh vào các bất động sản có nhu cầu thực, giúp người trẻ có cơ hội sở hữu nhà cũng như tạo thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp cần thực tế hơn, như thời hạn ưu đãi lãi suất dài hơn hoặc thời gian vay kéo dài để thực sự khuyến khích người trẻ vay mua nhà. Bên cạnh tín dụng mua nhà, ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh.

Nếu dòng vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào khu vực sản xuất - kinh doanh, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% với tín dụng tăng 16% hoàn toàn có thể đạt được
Khi thị trường vốn chưa đủ mạnh, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, trong khi bất động sản tiềm ẩn rủi ro bong bóng. Trước đây, để đạt 1% tăng trưởng GDP, Việt Nam cần khoảng 3% tăng trưởng tín dụng. Nhưng trong năm 2024 vừa qua, con số này đã giảm xuống còn khoảng 2%, phản ánh sự thay đổi trong hiệu suất sử dụng vốn tín dụng. Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% và tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, tức vẫn duy trì tỷ lệ 2% tăng trưởng tín dụng để tạo ra 1% tăng trưởng GDP, đây là mục tiêu tương đối thách thức so với giai đoạn trước.
Trong quá khứ, nhất là giai đoạn 2018 - 2022, nền kinh tế - mà cụ thể là thị trường bất động sản - đã có những thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu tín dụng cao để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP. Do đặc thù thâm dụng vốn của ngành bất động sản, khi dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực này, nền kinh tế cần lượng vốn lớn hơn để đạt cùng mức tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi đáng kể khi dòng vốn tín dụng chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất, kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực rủi ro. Do sản xuất có hiệu suất sử dụng vốn cao, tức cần ít vốn hơn để tạo ra 1% tăng trưởng GDP, nên tỷ lệ 2% tín dụng cho 1% GDP đã trở thành xu hướng khả thi hơn.
Nếu trong năm 2025, dòng vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào khu vực sản xuất - kinh doanh thay vì bất động sản hay các lĩnh vực kém hiệu quả khác, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% với mức tăng trưởng tín dụng 16% hoàn toàn có thể đạt được. Mặc dù vậy, điều này vẫn phụ thuộc vào diễn biến thực tế của nền kinh tế năm nay.
Hiện có ba trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa, trong đó xuất khẩu vẫn là yếu tố then chốt. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào tình hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Nếu Việt Nam giữ được vị thế an toàn, không bị áp thuế đặc biệt, xuất khẩu sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Đồng thời, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có thể đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn, khi các doanh nghiệp quốc tế muốn tránh thuế quan từ những thị trường khác như Trung Quốc hay Mexico. Khi đó, Việt Nam sẽ có lợi thế thu hút vốn, góp phần giảm áp lực tỷ giá hối đoái - vẫn là một trong những thách thức lớn năm 2025.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào các tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế thay vì chỉ trông đợi vào sự phục hồi tiêu dùng nội địa. Nếu xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đầu tư công được triển khai hiệu quả, mục tiêu này vẫn khả thi.
Thách thức cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá
Việc duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro tỷ giá và dòng vốn rút ra khỏi thị trường.
Việc bơm tiền đồng nghĩa với duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát chưa phải là vấn đề trước mắt, mà chính yếu tố tỷ giá sẽ chịu tác động gần như tức thì bởi việc giảm lãi suất và bơm tiền. Nhưng nếu chấp nhận để tỷ giá giảm, VND giảm giá tương đối với USD, đây có thể là lựa chọn phù hợp nhằm duy trì tốc độ bơm tiền ra nền kinh tế. Đương nhiên, điều này đồng nghĩa với việc đánh đổi một phần ổn định vĩ mô để lấy tăng trưởng, trong đó tỷ giá và lạm phát có xu hướng tăng.
Do vậy, cần tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu để có nguồn ngoại tệ dồi dào trong thời gian tới. Có nguồn ngoại tệ dồi dào sẽ tạo dư địa để bơm tiền hiệu quả thông qua cơ chế mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và đưa VND ra lưu thông. Song chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay cũng phần nào ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giảm mạnh lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do triển vọng kinh doanh kém hoặc rủi ro cao, thì dù lãi suất thấp đến đâu, họ cũng không vay.
Hiện mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy các công cụ tiền tệ đã được sử dụng gần như hết dư địa. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng quá lâu cũng có thể gây hệ lụy, đặc biệt là làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Chênh lệch này không chỉ tính trên lãi suất danh nghĩa mà còn bao gồm phần bù rủi ro tỷ giá.
Chính sách tiền tệ luôn là bài toán đánh đổi giữa các mục tiêu vĩ mô. Việc duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro tỷ giá và dòng vốn rút ra khỏi thị trường. Khi tỷ giá tăng cao, áp lực lạm phát nhập khẩu cũng tăng, tạo ra tác động lan tỏa đến toàn nền kinh tế.
Dư địa để tiếp tục dùng chính sách tiền tệ như công cụ hỗ trợ tăng trưởng hiện nay là rất hạn chế. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2025, áp lực lên tỷ giá sẽ lập tức gia tăng. Bởi độ nhạy tỷ giá hiện rất cao và thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền về thông qua kênh thị trường mở (OMO) để giảm áp lực tỷ giá.
Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực điều chỉnh biên lãi ròng (NIM) theo hướng giảm dần để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận. Việc yêu cầu họ giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp không dễ thực hiện. Do đó, thay vì chỉ kêu gọi giảm lãi suất, cần có chiến lược dài hạn phát triển thị trường vốn nhằm tạo kênh tài trợ đối trọng với hệ thống ngân hàng. Khi thị trường vốn phát triển, sự phụ thuộc vào ngân hàng sẽ giảm, lãi suất khó tăng. Đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm (sandbox) thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), bởi các mô hình tài chính số mới có thể giảm chi phí trung gian, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay.
Với việc Fed dự kiến nới lỏng chính sách tiền tệ một cách từ tốn thay vì nhanh và mạnh như kỳ vọng trước đó, dư địa giảm lãi suất ở Việt Nam sẽ bị thu hẹp. Theo đó, khả năng giảm mạnh lãi suất trong thời gian tới là không cao, nhưng lãi suất cũng khó tăng. Thực tế, Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khá lâu, trong bối cảnh lãi suất nền thấp và lạm phát sẵn sàng ở mức 3,7 - 4%. Vì vậy, trong cả năm 2025, cần ưu tiên hơn cho chính sách tài khóa.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-nhac-giua-bai-toan-lai-suat-va-ty-gia-post372452.html