Cần hành động thiết thực để hạn chế rác thải nhựa

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt trong đó có Việt Nam. Ước tính mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn đổ ra các đại dương. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.

Công nhân nhà máy rác Đồng Hầm (xã Minh Đức, T.X Phổ Yên) phân loại rác thải nhựa để đưa vào xử lý.

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống, nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Tại T.P Thái Nguyên, việc phân loại rác thải từ đầu nguồn đã được thực hiện từ năm 2017 ở các phường Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, năm 2018 mở rộng thêm tại 2 phường là Phan Đình Phùng và Đồng Quang. Khảo sát đánh giá sau 3 năm thực hiện ở các phường này, mặc dù tỷ lệ phân loại đúng mới đạt khoảng 50%, nhưng đây là bước đi rất quan trọng để hình thành ý thức của người dân đối với việc xử lý rác thải từ đầu nguồn. Điều đáng nói ở đây, để có thể giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, khâu quyết định chính là người sử dụng.

Trong một lần đến cửa hàng TOKYOLIFE Thái Nguyên (địa chỉ 235 Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên), khi giao hàng cho khách, nhân viên ở đây giải thích, để hưởng ứng việc giảm thiểu chất thải nhựa, cửa hàng không dùng bao ni - lông để gói hàng, thay vào đó là túi giấy và khách hàng phải trả thêm 5.000 đồng, nếu không đồng ý sử dụng túi giấy, khách hàng phải tự bao gói hàng của mình đã mua để chuyển về. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết, chỉ một số ít không hưởng ứng, còn lại đa số khách hàng sau khi nghe giải thích đều vui vẻ thực hiện. Có thể thấy, nếu như nhiều cửa hàng khác trên địa bàn cũng làm như trên, người tiêu dùng gương mẫu thực hiện, chắc chắn sẽ giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại cho môi trường sinh thái.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó nhấn mạnh đến việc vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, của hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch… cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni - lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni - lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, tỉnh cần có các chương trình hành động cụ thể; tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; không sử dụng băng zôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn. Với người dân, cần có những hành động thiết thực, gương mẫu trong việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó góp phần giảm thiểu các tác hại do rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái.

Thế Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/can-hanh-dong-thiet-thuc-de-han-che-rac-thai-nhua-280266-85.html