Cần có phương án sử dụng, luân chuyển đội ngũ giáo viên phù hợp giữa các địa phương

Chiều 8-11, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Một số đại biểu nữ đã phân tích, làm rõ và đưa ra những kiến nghị chung quanh các quy định trong dự thảo luật đang được cử tri quan tâm.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Cạn phát biểu tại phiên thảo luận.

Nâng chuẩn giáo viên cần theo lộ trình

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (ảnh), Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Cạn tham gia ý kiến về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo.

Dự thảo luật quy định có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 giáo viên, chiếm 33,8% và giáo viên tiểu học còn 46,36%. Số giáo viên chưa đạt chuẩn này tập trung chủ yếu ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên.

“Nếu nâng chuẩn cao đẳng, đại học với tất cả các đối tượng thì những giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó có cơ hội đạt chuẩn, ảnh hưởng đến nghề nghiệp cũng như đi ngược lại những ưu đãi dành cho những đối tượng này”. Đại biểu nói.

Đại biểu cũng cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chưa xét đến độ tuổi của nhiều giáo viên giảng dạy lâu năm và khả năng tiếp tục tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng; chưa nhận định được sự phân bổ không đồng đều lượng giáo viên vùng đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đến thời điểm hiện tại, báo cáo chưa đề ra phương án sử dụng và luân chuyển đội ngũ giáo viên phù hợp giữa các địa phương để bảo đảm chất lượng dạy học.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động cụ thể hơn tình hình thực tiễn, chỉ rõ sự khác biệt giữa kết quả giáo dục của giáo viên đạt chuẩn và giáo viên chưa đạt chuẩn, rà soát có thống kê chính xác về số giáo viên cần đào tạo, nâng chuẩn và chi phí đào tạo để đánh giá một cách toàn diện ưu điểm của chính sách này để áp dụng việc nâng chuẩn theo lộ trình phù hợp.

Đại biểu cũng đề cập về chính sách tín dụng sư phạm, dự thảo luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng hình thức vay tín dụng. Bày tỏ băn khoăn với quy định mới này liệu ngành giáo dục có thu hút được học sinh giỏi vào các trường sư phạm?

Nêu việc chuyển sang hình thức tín dụng là một điểm mới và để tháo gỡ những bất cập hiện nay, đại biểu cho rằng, giải quyết bằng hình thức đưa chính sách tín dụng chỉ là “phần ngọn”, chỉ giải quyết được vấn đề ngân sách nhà nước bỏ ra cho việc đào tạo sinh viên sư phạm không bị lãng phí. “Phần gốc” của vấn đề là phải tạo cơ hội việc làm để những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ra trường được bố trí việc làm ngay. Hơn nữa, điều quan trọng nhất để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm chính là đi dạy với mức lương đủ sống chứ không phải là vấn đề học phí. “Đây mới là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng học sinh giỏi ở các trường phổ thông lựa chọn để học ngành sư phạm”.

Chung quanh chính sách cử tuyển, đại biểu Triệu Thị Thu Phương khẳng định cử tuyển là một chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.Tuy nhiên trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách còn bộc lộ không ít hạn chế, hạn chế đó không nằm ở chính sách mà là cách thực hiện; khi cử tuyển ồ ạt, không đúng đối tượng, chất lượng đầu vào thấp, đặc biệt không theo nhu cầu, không gắn với vị trí việc làm, nên không thể bố trí công việc cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường đã làm tốn kém nguồn lực của nhà nước, gia đình và thời gian của người học…

Dự thảo luật trình tại kỳ họp này đã quy định thu hẹp đối tượng cử tuyển chỉ dành riêng đối với các dân tộc rất ít người ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu nêu câu hỏi: Nếu người DTTS rất ít người dưới 1.000 người mà họ không sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có được xem xét cử tuyển không? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc thêm vấn đề này.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp với học sinh

Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), về cơ bản đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhất trí với phạm vi, nội dung, bố cục của các điều luật được sửa đổi lần này. Đề cập Điều 9 nêu ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, dạy ngoại ngữ... Để thực hiện nội dung nói trên, đại biểu đề nghị cần có quy định về đào tạo giáo viên cho việc dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số và phải có chế độ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ này.

Với Điều 12 đề cập quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong dự thảo luật, đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị cần thay cụm từ “Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số....” thành “Nhà nước bảo đảm cho con em dân tộc thiểu số...”. Nhấn mạnh đó là những đối tượng yếu thế trong xã hội, để thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, Nhà nước cần phải bảo đảm quyền học tập cho các cháu, không chỉ dừng lại ở mức độ "ưu tiên, tạo điều kiện".

Chung quanh Điều 29 về yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông, điều luật quy định về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh ở các cấp học phổ thông được trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển về thể chất...

Tuy nhiên, có một vấn đề đại biểu nhận thấy, hiện nay kỹ năng giao tiếp của học sinh ở các cấp học phổ thông còn hạn chế, còn yếu. Kỹ năng giao tiếp là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và đó cũng là cơ sở để xây dựng các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể phục vụ cho việc học của học sinh.

“Vì thiếu và yếu kỹ năng giao tiếp nên nhiều học sinh của chúng ta có thể học rất giỏi nhưng thường thiếu mạnh dạn, tự tin, trong nhiều trường hợp vì yếu kỹ năng giao tiếp nên khi xảy ra những tình huống cụ thể, học sinh không biết xử lý theo hướng tích cực...”

Đại biểu cho rằng, điều đó dẫn đến tình trạng học sinh bị tự kỷ, tự tử trong quá trình học tập và đó là một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung này trong dự thảo luật.

Nếu cơ sở giáo dục được tùy ý lựa chọn sách giáo khoa học tập thì sẽ đáp ứng được tính tự chủ cao và tiêu chí giảng dạy của nhà trường, nhưng liệu có bảo đảm tính thống nhất, tính định hướng nhằm đạt được mục tiêu, nguyên lý của giáo dục hay không?

Hiện nay, ngoài Quỹ Khuyến học của các tổ chức, cá nhân, mô hình Quỹ khuyến học do cộng đồng dân cư lập ra rất nhiều và tạo ra được những hiệu ứng tích cực như Quỹ khuyến học của thôn, làng, bản, Quỹ khuyến học của họ tộc. Tôi đề nghị bổ sung thêm “cộng đồng dân cư” vào quy định này.

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị)

Nếu cơ sở giáo dục được tùy ý lựa chọn sách giáo khoa học tập thì sẽ đáp ứng được tính tự chủ cao và tiêu chí giảng dạy của nhà trường, nhưng liệu có bảo đảm tính thống nhất, tính định hướng nhằm đạt được mục tiêu, nguyên lý của giáo dục hay không?

Hiện nay, ngoài Quỹ Khuyến học của các tổ chức, cá nhân, mô hình Quỹ khuyến học do cộng đồng dân cư lập ra rất nhiều và tạo ra được những hiệu ứng tích cực như Quỹ khuyến học của thôn, làng, bản, Quỹ khuyến học của họ tộc. Tôi đề nghị bổ sung thêm “cộng đồng dân cư” vào quy định này.

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị)

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38192302-can-co-phuong-an-su-dung-luan-chuyen-doi-ngu-giao-vien-phu-hop-giua-cac-dia-phuong.html