Cần chính sách và lộ trình phát triển cụ thể cho ôtô điện tại Việt Nam

Để hiện thực hóa tiềm năng tại Việt Nam, ôtô điện cần có chính sách và lộ trình phát triển rõ ràng.

Những năm gần đây, ôtô điện ngày một phổ biến hơn trên thế giới. Theo thống kê của công ty nghiên cứu EV-Volumes, doanh số ôtô điện năm 2020, bao gồm xe điện chạy pin (EV) và xe lai sạc điện (PHEV), đạt 3,24 triệu chiếc - chiếm 4,3% thị phần ôtô du lịch toàn cầu.

Tại Việt Nam, từng có một số mẫu ôtô điện được đưa về dưới hình thức nhập khẩu tư nhân. Vừa qua, sau khi VinFast VF e34 chính thức được giới thiệu và nhận đặt hàng, sự quan tâm dành cho loại xe này hiện rất lớn.

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để ôtô điện phát triển

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và cơ hội tại Việt Nam" do Zing News tổ chức, các khách mời nhận định Việt Nam có những lợi thế nhất định để ôtô điện phát triển.

Sau khi VinFast VF e34 chính thức được giới thiệu và nhận đặt hàng, ôtô điện đang nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Ảnh: VinFast.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia vào hoạt động tăng trưởng xanh, thể hiện qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012.

Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Các quyết định kể trên đều hướng tới những mục tiêu chiến lược như khuyến khích phát triển công nghệ xanh; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

“Bên cạnh việc thực hiện xanh hóa sản xuất, lối sống và tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và cơ cấu năng lượng là những nội dung rất quan trọng với tăng trưởng xanh. Với đặc điểm không phát thải khi vận hành, ôtô điện là cơ hội giúp chúng ta đạt được những mục tiêu kể trên”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Khuất Việt Hùng, dân số trẻ là một lợi thế để phát triển ôtô điện tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Song song với việc sớm đề ra kế hoạch thúc đẩy sản xuất, sử dụng các sản phẩm dùng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như ôtô điện, đặc điểm dân số Việt Nam cũng là lợi thế để loại phương tiện mới này phát triển.

Theo ông Tuấn, Việt Nam có dân số đông và trẻ, với sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận những công nghệ, sản phẩm mới. Nhờ vậy, việc ứng dụng khoa học - công nghệ và các phương tiện thông minh như ôtô điện rất thuận lợi.

Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, nhận định với đặc điểm dân số trẻ, người dân Việt Nam dễ nắm bắt các xu hướng mới như sống xanh, qua đó dần biến xu hướng trở thành văn hóa, lối sống, tạo ra thói quen hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường trong nhiều hoạt động như mua sắm, đi lại. Đây là cơ hội cho mọi sản phẩm xanh chứ không chỉ riêng ôtô điện.

Cần có chính sách và lộ trình phát triển cụ thể cho ôtô điện

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần có cam kết, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể để có thể hiện thực hóa tiềm năng của ôtô điện nói riêng và sản phẩm xanh nói chung tại thị trường Việt Nam.

“Các quốc gia và vùng lãnh thổ hiện dẫn đầu về phát triển ôtô điện như Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đều đưa ra những chính sách cụ thể để thúc đẩy sử dụng loại phương tiện này.

Ví dụ, họ đặt mục tiêu rõ ràng cần giảm phát thải bao nhiêu tấn khí nhà kính, để đạt con số ấy cần bao nhiêu chiếc ôtô điện, bao nhiêu tuyến xe, số km đi được bằng xe điện. Từ đó xác định chi phí và thời gian cần thiết, đồng thời đưa ra các chính sách phù hợp”, ông Hùng cho biết.

Hệ thống trạm sạc đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và phổ biến ôtô điện. Ảnh: Bối Hạ.

Theo ông Hùng, giảm giá mua ôtô điện của người dùng và tạo dựng hệ thống hạ tầng là những yếu tố quan trọng để phát triển loại xe này tại Việt Nam.

Những hình thức như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện, giảm phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ hay giảm giá điện cho những người dùng điện sạc pin ôtô có thể được áp dụng để giảm giá bán và chi phí sử dụng, qua đó khuyến khích người dân dùng xe điện.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng các chính sách về thuế đất, cho vay lãi suất thấp với các nhà sản xuất ôtô điện hoặc đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc cũng có thể được áp dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định để ôtô điện phát triển tại Việt Nam, cần các chính sách, giải pháp cụ thể, có tính liên thông, liên ngành và tác động trên nhiều mặt, nhằm hỗ trợ cả nhà sản xuất và người dùng.

Theo ông Tuấn, ôtô điện cần có lộ trình phát triển rõ ràng tại Việt Nam, qua đó giúp các nhà đầu tư kịp thời điều chỉnh kế hoạch, đồng thời tạo niềm tin, sự an tâm cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định cần có các giải pháp, chính sách cụ thể để hỗ trợ cả nhà sản xuất và người dùng ôtô điện. Ảnh: Hoàng Hà.

Mặt khác, ông Tuấn cho rằng cần tạo ra thị trường được gọi là thị trường phát thải, với những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, sản phẩm ít phát thải và ngược lại, từ đó tạo động lực cho các nhà sản xuất đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường.

Với chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng, để thuyết phục được người dùng, xe điện cần mang lại những lợi ích trực tiếp như giá bán, chi phí sử dụng, bảo dưỡng thấp hơn xe dùng xăng, dầu hay hệ thống trạm sạc phủ rộng và có tốc độ sạc nhanh.

“Đối với doanh nghiệp, việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất ôtô điện và phát triển hạ tầng đi kèm cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhà nước để từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các chính sách kích cầu dành cho người dùng”, ông Thắng cho biết.

Chí Vũ

Phan Châu Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-chinh-sach-va-lo-trinh-phat-trien-cu-the-cho-oto-dien-tai-viet-nam-post1205107.html