Văn hóa, trụ cột chính giúp nâng tầm vị thế Thủ đô
Với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Trong đó, phát triển văn hóa là 1 trong 9 nhóm chính sách trọng tâm được đề xuất sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới.
Trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô.
Đóng góp vào nội dung sửa đổi Luật Thủ đô, một trong những nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm và góp ý cụ thể tại Điều 23 của dự thảo. Thạc sĩ Trần Dũng Hải cho rằng vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội cần thiết kế thành 1 điều riêng chứ không nằm rải rác trong Dự thảo Luật như hiện nay, bởi đây là vấn đề lớn, cần xác định tính đặc thù.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu bổ sung các lĩnh vực khác vào dự thảo nhằm tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Đáng chú ý, Điều 23 trong dự thảo luật đưa ra cơ chế đặc thù, đó là HĐND TP quy định phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của TW theo khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cơ chế này sẽ góp phần gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, khuyến khích nghệ nhân, văn nghệ sỹ nỗ lực cống hiến và truyền nghề./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/van-hoa-tru-cot-chinh-giup-nang-tam-vi-the-thu-do-206042.htm