Căn bệnh khiến bé gái 9 tuổi có chiều cao tương đương 2 tuổi

Sinh con ra có cân nặng 2,8kg, nhưng nuôi mãi, nuôi mãi bố mẹ bé V vẫn không thấy con lớn dù đã can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng suốt 3 năm. Đến khi 9 tuổi, cháu V có chiều cao, cân nặng tương đương với trẻ 2 tuổi: Dài 79cm, nặng 9kg.

Khi thấy con mãi trong hình hài bé nhỏ “như cái kẹo”, thương con, bố mẹ lại đưa bé đến BV Nhi Trung ương để khám. Tại đây, rất may mắn bác sỹ khoa Nội tiết-chuyển hóa-di truyền đã tìm ra căn bệnh khiến bé “nuôi mãi không lớn”-đó là bé mắc hội chứng suy tuyến yên.

TS-bác sỹ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-chuyển hóa-di truyền, BV Nhi Trung ương cho biết: Thời điểm đến khám trẻ được 9 tuổi 5 tháng nhưng chỉ dài 79cm, nằm gọn kích thước đo chiều cao của trẻ 2 tuổi, chỉ nặng 9kg. Kết quả chụp cắt lớp MRI cho thấy tuyến yên nhỏ, tuổi xương chỉ tương đương trẻ 20 tháng.

Trẻ được chẩn đoán bị suy tuyến yên, được chỉ định bằng thuốc hormone tăng trưởng. Sau 12 tháng trẻ tăng được 18cm, sau 19 tháng tăng 26cm. Hiện trẻ cao 108cm, nặng 19kg, sự khác biệt rất lớn sau 2 năm.

Chị T - mẹ bé V vui mừng khi thấy con có những tiến triển nhanh chóng, chị kể lại, khi mới sinh ra con nặng 2,8kg, được 5 tháng tuổi thì tăng lên thành 5kg. Nhưng kể từ đó đến khi được 9 tháng tuổi, bé không lên được lạng nào. Chị đưa con đi khám thì bác sĩ chỉ bảo con bị suy dinh dưỡng, 6 tháng sau nếu vẫn không lên lạng nào thì đi khám lại.

Thăm khám, đánh giá cho trẻ bị thiếu chiều cao tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: V.H

Chị đưa con đi khám lại, kiểm tra tim, gan không có vấn đề gì. Suốt 3 năm sau đó chị cho con uống thuốc, sữa theo đơn cho trẻ bị suy dinh dưỡng thì con lên được đúng 2 lạng.

Nuôi mãi mà con không lớn, đi đâu cũng phải bế và con không tự vệ sinh cá nhân được nên tận đến lúc con 5 tuổi chị mới xin cho con đi học mẫu giáo để con có thể hòa đồng cùng các bạn. Đến năm 2019, chị xin mãi nhà trường mới nhận cho con đi học lớp 1 để học cùng em trai. Thấy con đi học mà vẫn bé xíu, gia đình lại đưa cháu đi khám và lần này may mắn là bác sỹ đã tìm ra bệnh của cháu.

Sau khi được điều trị, chiều cao của trẻ được cải thiện rõ rệt, “Thấy con tăng cân, tăng chiều cao tôi mừng lắm. Giờ con đã biết đọc, biết viết, thấy con nói chuyện nhiều nên tôi cũng thấy phấn khởi. Trước mỗi bữa con chỉ ăn được thìa cơm nhưng giờ thì đã được một bát đầy. Cháu thích vẽ lắm”, chị T phấn khởi.

Theo TS. Vũ Chí Dũng, bệnh của trẻ cần điều trị bằng thuốc kiên trì, tối nào cũng phải tiêm thuốc. Các y bác sĩ đã hướng dẫn gia đình cách tự tiêm cho con.

Bác sỹ Vũ Chí Dũng cho biết, đối với trẻ thiếu chiều cao, điều quan trọng là phát hiện càng sớm càng tốt để đạt được hiệu quả tối đa. Có khoảng 10% những trường hợp có chiều cao thấp là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường.

Có rất nhiều bệnh lý có thể khiến trẻ không phát triển được như: dưỡng, nội tiết (như thiếu hụt GH -hormone tăng trưởng đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp); các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung; các bệnh về xương, các bệnh mạn tính/các bệnh chuyển hóa; các khối u và hậu quả muộn của điều trị ung thư, do thuốc…

Các hội chứng bẩm sinh có thể kể đến là bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), các hội chứng khác (Noonan, Russell-Silver), các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển tinh thần.

Đối với trẻ thiếu chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng thì điều quan trọng là phát hiện sớm, càng sớm càng lý tưởng. Có những trẻ 15 tuổi, tuổi xương chỉ bằng trẻ 2-3 tuổi nhưng điều trị vẫn hiệu quả. Nguyên tắc điều trị là điều trị nguyên nhân gây ra bệnh, không điều trị thuốc để tăng chiều cao.

Muốn phát hiện sớm tình trạng bệnh lý của trẻ, cha mẹ cần chú ý việc theo dõi chiều cao của con. Nếu trong 1 năm trẻ không lớn thêm được 4cm là không bình thường, bác sỹ Vũ Chí Dũng nêu.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-benh-khien-be-gai-9-tuoi-co-chieu-cao-tuong-duong-2-tuoi-221456.html