Cảm động tiếng hát nơi lớp học xóa mù
'Cảm ơn cô, lời dạy của cô đã khai sáng con đường học tập cho em, sống suốt nửa đời người nay em mới biết đến con chữ'…

Các học viên lớp học xóa mù chữ tại xóm Ngọc Sỹ mải mê với con chữ.
Đó là nội dung đã được dịch ra tiếng phổ thông của lời bài hát do học viên Trịnh Thị Pu – người phụ nữ dân tộc Dao sinh năm 1973, tự mình sáng tác và cất lên bằng tiếng mẹ đẻ trong buổi tổng kết lớp học xóa mù chữ tại xóm Ngọc Sỹ, xã Cần Yên, tỉnh Cao Bằng. Bài hát không có nhạc đệm, không sân khấu, không ánh đèn – chỉ có những đôi mắt rưng rưng, những tiếng vỗ tay và giọng hát nghèn nghẹn, run run đầy biết ơn của người học trò lớn tuổi dành cho cô giáo của mình.
Đứng lặng giữa lớp học, cô giáo Dương Thị Dung – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sỹ, người trực tiếp đứng lớp suốt gần một năm, xúc động không nói nên lời. Lúc ấy, cô mới vỡ òa nhận ra: Những tháng ngày kiên trì, gắn bó cùng học trò lớn tuổi giữa đêm tối, gió mưa – không chỉ mang lại kiến thức mà còn gieo được hạt mầm của niềm tin, khát vọng.
Lớp học đặc biệt nơi vùng khó
Lớp học xóa mù chữ tại xóm Ngọc Sỹ được tổ chức từ ngày 15/4/2024 đến 8/4/2025 vào các buổi tối trong tuần. Đây là một xóm đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55%, cận nghèo 17%. Hầu hết người dân là đồng bào dân tộc Dao, quanh năm làm nương, làm rẫy. Trong cái nghèo, cái khó nối tiếp từ đời này sang đời khác, cái chữ vẫn là điều xa vời với không ít người.

Dù ban ngày làm việc vất vả, nhưng buổi tối các học viên vẫn chăm chỉ lên lớp.
Trước khi lớp học chính thức khai giảng, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã đã vào cuộc quyết liệt. Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp cùng Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Trường Tiểu học Ngọc Sỹ tổ chức tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình có người chưa biết chữ ra lớp. Riêng cô Dương Thị Dung, không quản ngại đường núi trắc trở, đã đến tận từng nhà vận động, thuyết phục, trò chuyện, lắng nghe.
Cuối cùng, lớp học cũng khai giảng với 17 học viên. Người nhiều tuổi nhất sinh năm 1969, ít tuổi nhất sinh năm 1996. Dù khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có một điểm chung – sự khát khao được biết chữ. Mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ, lớp học lại vang lên tiếng ê a, tiếng giảng bài xen lẫn tiếng cười nói rôm rả. Có hôm mải mê học, cô trò quên cả thời gian, đèn lớp học sáng đến tận gần 11 giờ đêm.
Trong số những học viên, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất với cô Dung là bà Trịnh Thị Khe, sinh năm 1969 – học viên nhiều tuổi nhất lớp. Sinh ra trong một gia đình nghèo, không được đến trường từ nhỏ, bà Khe lớn lên với cuộc sống gắn bó với rẫy nương, nuôi lợn, trồng rau. Hiện nay, công việc bộn bề, các con đi làm xa, cháu nhỏ phải trông nom mỗi ngày, nhưng bà Khe không bỏ một buổi học nào. Tối nào bà cũng đến lớp sớm hơn giờ, ngồi ngay hàng đầu, chăm chú học từng con chữ.
“Ham lắm cô ạ! Từ nhỏ đã thích đi học mà không được học. Giờ được cầm bút viết tên mình, đọc sách, xem tivi hiểu được chữ, tôi thấy như mở ra cả thế giới mới” - bà Khe xúc động chia sẻ.
Không chỉ đọc thông viết thạo, bà Khe còn là học viên xuất sắc nhất lớp với điểm trung bình 9,0. Trong buổi tổng kết, bà Khe kể, điều hạnh phúc nhất là giờ đây có thể tự đọc tờ rơi của xã, tự tay ghi chú lại công việc và đọc được tên các loại thuốc.
Còn với anh Triệu Văn Sâu, sinh năm 1996 – học viên trẻ tuổi nhất lớp, niềm vui lại đến từ… chiếc điện thoại. Trước đây, anh dùng điện thoại cảm ứng nhưng danh bạ toàn là số, không có tên vì anh không biết đọc, biết viết. Sau khi học xong, việc đầu tiên anh làm là nhập lại danh bạ bằng chữ. “Giờ nhìn vào điện thoại thấy tên vợ, tên bố mẹ, bạn bè, tôi vui lắm!”, anh cười hiền.
Khi những con chữ hóa thành ánh sáng
Cô Dương Thị Dung – giáo viên phụ trách lớp, cũng là người đã đồng hành suốt gần 1 năm, không chỉ dạy chữ mà còn “dạy niềm tin”. Là người dân tộc Nùng, hiểu được tâm lý người học và rào cản ngôn ngữ, cô luôn tìm cách gần gũi, giản dị nhất để truyền đạt.

Những nét chữ ngay ngắn là niềm vui, hạnh phúc của cô trò lớp học xóa mù vùng cao.
“Dạy học trò nhỏ đã khó, dạy người lớn còn khó hơn. Có người không cầm được bút, có người phát âm sai vì phương ngữ. Mình không chỉ là cô giáo, mà còn là bạn, là người động viên, dìu dắt họ mỗi ngày”, cô kể.
Không có năng khiếu múa hát, nhưng vì biết học trò rất thích văn nghệ, mỗi giờ giải lao, cô lại bật video, cùng học viên múa hát, tạo không khí vui vẻ, thoải mái. Dưới ánh đèn vàng nhòe sương đêm, tiếng hát, tiếng cười của lớp học vang vọng cả sườn núi.
Lớp học xóa mù chữ ở xóm Ngọc Sỹ không chỉ giúp học viên biết đọc, biết viết, biết tính toán – mà còn khơi dậy khát vọng đổi thay. Sau khi biết chữ, nhiều học viên mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng, tự tin tiếp cận thông tin, nắm bắt chính sách, biết cách ghi chép sổ sách sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cháu…
Ở nơi rẻo cao còn nhiều gian khó, những lớp học như thế chính là biểu tượng của hy vọng, là “ánh sáng” len vào từng mái nhà, từng cuộc đời. Đó là thành quả của sự kiên trì từ người thầy, sự đồng lòng của địa phương và trên hết là nghị lực vượt lên của những học trò chưa từng cầm bút suốt nửa cuộc đời.
Từ câu hát mộc mạc trong lớp học nhỏ, từ ánh mắt sáng rực sau từng con chữ… một hành trình sống đẹp đang âm thầm được viết tiếp mỗi ngày.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-dong-tieng-hat-noi-lop-hoc-xoa-mu-post740813.html