Cái giá của doping

VĐV Quách Thị Lan (số đeo 845) giành HCV nội dung 400m rào nữ ASIAD 2018, sau khi VĐV Adekoya (Bahrain) bị tước danh hiệu vì dính doping. Ảnh: Internet

Với các giải thể thao chuyên nghiệp, vấn đề doping luôn chặt chẽ và rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cũng không dễ dàng phanh phui được ngay với những trường hợp cao tay. Dĩ nhiên tất cả các trường hợp bị dính doping, gian lận đều phải trả giá đắt: tước huy chương đạt được và cấm thi đấu (tùy mức độ vi phạm).

1. Những ngày qua, thể thao Việt Nam, đặc biệt là bộ môn điền kinh và VĐV Quách Thị Lan đón nhận tin vui, không kém cảm giác lên bục nhận HCV. Đó là chiếc HCV tại ASIAD 2018 của VĐV người Bahrain đã bị tước, sau một năm cô này bị kết luận dính doping.

Ở nội dung 400m rào nữ, tại ASIAD 2018 (Indonesia), Kemi Adekoya đoạt HCV với thành tích 54 giây 48, phá kỷ lục đại hội. Trong khi đó, VĐV của Việt Nam Quách Thị Lan chỉ chậm hơn 42 sao, cán đích ở vị trí thứ 2 với thời gian 55 giây 30, đành chấp nhận tấm HCB ASIAD.

Kết quả công bố mới đây của Tổ chức Liêm chính điền kinh (AIU) mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. VĐV Kemi Adekoya (gốc Nigeria) nhập tịch Bahrain bị phát hiện dương tính với chất stanozolol, chất làm tăng cơ bắp và giảm chất béo, nằm trong danh mục chất cấm của Ủy ban Phòng chống Doping thế giới (WADA). Với kết quả này, thành tích HCV 400m rào nữ của Adekoya bị tước. Đồng thời, VĐV này bị cấm thi đấu 4 năm, lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2018, thời điểm cô bị phát hiện. Điều này đồng nghĩa VĐV Quách Thị Lan, người đoạt HCB, được đôn lên nhận HCV ở cự ly này.

Dù muộn màng, nhưng niềm vui của người chiến thắng luôn xúc động và vinh dự, thậm chí còn hơn cả lúc lên bục nhận huy chương, vì phải trải qua thời gian chờ đợi và nhận được từ sự minh bạch, công bằng. Những thiệt thòi đã được bù đắp, trong khi người gian lận phải chấp nhận án phạt nghiêm khắc.

2. Trên thế giới, ở các giải thể thao chuyên nghiệp không ít trường hợp VĐV đoạt thành tích cao, sau đó ngậm ngùi bị tước huy chương, cấm thi đấu. Đó là án phạt rất nghiêm khắc thể hiện sự minh bạch, công bằng và tinh thần thể thao cao thượng mà những người tổ chức hướng đến. Còn đối với các VĐV bị dính doping không có lý do gì để biện minh. Thậm chí, những VĐV mới chỉ nghi ngờ dính doping thôi cũng đã nhận sự “trừng phạt” với hình thức tẩy chay, xa lánh của đồng nghiệp và người xung quanh.

Gần đây nhất là trường hợp của VĐV bơi Sun Yang (Trung Quốc). Tại Giải vô địch bơi lội thế giới 2019 diễn ra tại Hàn Quốc, khi kình ngư Sun Yang bước lên bục nhận HCV nội dung 200m tự do, đã bị đồng nghiệp tẩy chay, không chịu đứng cùng bục chụp ảnh.

Ở nội dung 200m tự do nam, Sun Yang đã về nhất với thời gian 1’44”93, xếp thứ hai là VĐV người Nhật Katsuhiro Matsumoto (1’45”22). Còn Martin Malyutin (Nga) và Duncan Scott (Anh) cùng chia sẻ chiếc HCĐ với cùng thời gian 1’45”63.

Người tẩy chay Sun Yang là Duncan Scott. Theo VĐV người Anh này, việc tẩy chay Sun Yang là vì kình ngư này dính líu quá nhiều đến các vụ lùm xùm về doping.

Trước đó, cũng tại giải này, Sun Yang cũng bị VĐV người Úc Mack Horton tẩy chay với hình thức tương tự. Ở nội dung bơi tự do 400m, kình ngư người Trung Quốc Sun Yang đã về nhất để đoạt HCV với thành tích 3’42”44, Mack Horton về nhì với 3’43’17, xếp thứ 3 là VĐV người Ý Gabriele Detti (3’43”23). “Nếu Sun Yang không tôn trọng thể thao, tại sao chúng tôi phải tôn trọng anh ấy. Tôi ủng hộ Mack Horton và tôi nghĩ rất nhiều người trong làng bơi lội đều sẽ hành động giống như tôi”, VĐV Duncan Scott trả lời báo chí.

Với những hành động tẩy chay, xa lánh của các đồng nghiệp trở thành phong trào đã khiến VĐV Sun Yang phải nổi đóa. Người hâm mộ Trung Quốc cũng tấn công lại với những lời lẽ khó nghe, thậm chí đe dọa trên các trang mạng xã hội. Đến nỗi ban tổ chức giải phải cảnh báo thái độ của các VĐV, yêu cầu giữ đúng chuẩn mực trước khi có kết luận của cơ quan chức năng hay phán quyết của tòa án thể thao về kết quả doping của Sun Yang.

Ở chiều ngược lại, hành động của Mack Horton và Duncan Scott đã nhận được sự khen ngợi từ phía các VĐV bơi lội thế giới, chỉ có điều không nhiều người dám công khai như các anh mà thôi.

3. Thế nhưng, việc dính doping của VĐV cũng nhiều đường, không ít trường hợp vô tình bị dính chất cấm mà bản thân không hề biết. Như trường hợp 4 VĐV Việt Nam đoạt huy chương SEA Games 22 (2004) dính doping do trước đó uống thuốc cảm và thuốc giảm đau.

Hay trường hợp dính doping của tay vợt nổi tiếng nhất, xinh đẹp nhất và giàu có nhất của làng quần vợt thế giới Sharapova (Nga) bị thất bại trong cuộc kiểm tra chất kích thích tại Úc mở rộng năm 2016. Theo tay vợt xinh đẹp này, loại chất khiến cô mang tiếng gian lận là meldonium, chất nằm trong thứ thuốc mà tay vợt này vẫn sử dụng vì lý do sức khỏe từ năm 2006. Meldonium được bổ sung vào danh sách cấm của WADA, nhưng Sharapova chưa cập nhật kịp.

Cho dù lý do gì thì án phạt cho việc gian lận, dính doping cũng không thay đổi và khó biện minh, thậm chí rơi vào hoàn cảnh “tình ngay lý gian”, khi có kết luận của WADA. Đấy là sự minh bạch, công bằng và cao thượng của thể thao.

THẾ NHƠN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/224808/cai-gia-cua-dopping.html