Đà Nẵng sẽ thực hiện những biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 ra sao?

Bắt đầu từ 18h chiều 31/7, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện những biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.

Bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, phường này sẽ giảm thời gian mở cửa chợ trong vòng 1 buổi để giãn, giảm thời gian người đi chợ. Từ thực tế địa phương, bà Lê Thị Thuận cho biết sẽ thiết lập 2-3 chốt kiểm soát với đầy đủ các lực lượng liên ngành, tập trung kiểm soát người dân ra đường.

“Công an phường là lực lượng có chức trách dừng xe kiểm tra người dân. Khi có công an, người dân sẽ có tâm lý ngại ra đường. Còn cách kiểm tra thì trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh để giảm khó khăn bức xúc của người dân. Trong quá trình thực hiện chúng ta sẽ có góp ý điều chỉnh lại”, bà Thuận cho hay.

Chiều 30/7, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết, rất đông người dân đi siêu thị mua hàng

Chiều 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo Nghị quyết này, thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố. Thành phố sẽ vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; bắt đầu thực hiện từ 18h ngày 31/7.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định không thiếu lương thực, thực phẩm

Nghị quyết này xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, thực hiện xuyên suốt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết, trước hết, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu do dịch bệnh; không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh; giữ vững hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, sớm ngăn chặn, đẩy lùi, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, duy trì cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điểm mới so với những lần giãn cách xã hội toàn thành phố trước đây là lần này, Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh “giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố” chứ không chỉ là giãn cách xã hội. Theo ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, các sở ngành, địa phương đều rất đồng tình với các biện pháp này.

“Bắt đầu từ 18h ngày 31/7, chúng ta thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, thôn cách ly với thông, xã phường cách ly với xã phường, quận huyện cách ly với quận huyện. Nhiều ý kiến cho rằng, không ghi thực hiện 14 ngày mà là thực hiện kể từ ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới”, ông Sơn nói.

Trước khi ban hành Chỉ thị mới cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp với các ngành, địa phương, thảo luận kỹ các biện pháp thực hiện; cân nhắc khi quyết định các loại hình dịch vụ nào được phép hoạt động, loại hình nào tạm dừng, loại hàng hóa nào là thiết yếu, hàng nào là không thiết yếu. Vấn đề có nên cho shipper hoạt động hay không cũng được xem xét, bởi khi cấm tất cả phương tiện ra đường thì nhu cầu vận chuyển hàng thiết yếu là có thật.

Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, sở sẽ lập danh sách nhân viên giao hàng tận nhà để Sở Giao thông Vận tải cấp mã xác nhận các phương tiện này được giao nhận hàng hóa.

"Sở Công thương thành lập danh sách các nhân viên giao hàng bằng các phương tiện vận chuyển như xe hai bánh, xe vận tải nhỏ của các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... có nhu cầu hoạt động. Sở Công thương sẽ gửi Sở Giao thông Vận tải để đăng ký cấp mã xác xác nhận các phương tiện này", ông Trừ nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, Chỉ thị mới của UBND thành phố Đà Nẵng sẽ mạnh hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chỉ thị này yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà chứ không nêu chung chung “mọi người dân ở nhà”. Để tránh gây tranh cãi, Chỉ thị mới nên nêu rõ người dân chỉ được phép ra khỏi nhà trong các trường hợp nào?. Cùng với các quy định trường hợp người dân được phép ra khỏi nhà thì quy định điều kiện người dân ra khỏi nhà phải có giấy tờ tùy thân như giấy chứng minh nhân, thẻ căn cước công dân.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Văn phòng UBND thành phố thống nhất ban hành mẫu Giấy đi đường cụ thể, phân cấp cơ quan quản lý lao động ký và chịu trách nhiệm.

“Tôi đề nghị phải cụ thể hóa quy định “Khi người dân ra đường thì phải có giấy tờ đủ điều kiện lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo mẫu của UBND thành phố”. Chỉ thị ban hành ra thì sẽ được tuyên truyền đến người dân và người dân rất quan tâm xem mình đi ra khỏi nhà thì mình cần giấy tờ gì chứ không thể lại đi đọc một văn bản khác. Ở đây người dân chỉ cần biết tôi đi ra khỏi nhà thì tôi phải cần giấy tờ gì”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/da-nang-se-thuc-hien-nhung-bien-phap-manh-hon-chi-thi-16-ra-sao-878652.vov