Các tập đoàn bán lẻ sẵn sàng 'giải cứu' nông sản

Vẫn còn hàng ngàn xe container hàng hóa, chủ yếu là nông sản bị ùn tắc tại khu vực biên giới phía Bắc. Nhiều loại nông sản cũng đang vào vụ thu hoạch với sản lượng hàng ngàn tấn. Vấn đề tiêu thụ nông sản tại thời điểm này trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tín hiệu khả quan là các tập đoàn bán lẻ sẵn sàng đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm để tận dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán.

Các tập đoàn bán lẻ sẵn sàng đưa nông sản vào hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ với mức giá phi lợi nhuận để đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Bích Nguyên

Các tập đoàn bán lẻ sẵn sàng đưa nông sản vào hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ với mức giá phi lợi nhuận để đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Bích Nguyên

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, trong quý I năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long, xoài 250.000 tấn, mít 160.000 tấn, bưởi 140.000 tấn, cam 130.000 tấn... được thu hoạch.

Việc xuất khẩu nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn, khi các cửa khẩu biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam gần như đóng cửa. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ ngày 21-12-2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại cầu Bắc Luân II và lối mở Km 3+4 phường Hải Yên.

Còn tại các cửa khẩu Lạng Sơn, hiện vẫn còn ùn ứ khoảng 2.900 xe hàng và đang giảm dần, nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu thông tin, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. Việc xuất khẩu nông sản sẽ rất khó khăn, đặc biệt là đối với mặt hàng thanh long khi chính quyền Bằng Tường (Trung Quốc) ngừng nhập khẩu thanh long từ 0 giờ, ngày 29-12-2021 đến 24 giờ, ngày 26-1-2022.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, việc thúc đẩy thị trường trong nước được coi là giải pháp khả thi nhất trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tín hiệu đáng mừng là thông qua sự kết nối của Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn ứ.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) chia sẻ, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart. Bên cạnh việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở 7 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam, BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình.

“Nông dân, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa, chứ không chỉ tìm đến khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay. Có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, các cơ quan cần định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu”, ông Nguyễn Thái Dũng nhận định.

Chung tay “giải cứu” nông sản đang ùn ứ, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) thông tin, hiện nay, công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Mỗi ngày, công ty tiêu thụ khoảng từ 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ với số lượng lớn.

Còn hàng ngàn tấn dưa hấu cần được tiêu thụ trong bối cảnh xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thu Hường

Còn hàng ngàn tấn dưa hấu cần được tiêu thụ trong bối cảnh xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thu Hường

Thông tin về năng lực sản xuất của công ty, bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng tập đoàn Nafoods Group cho biết, có thể hỗ trợ tiêu thụ chanh leo và thanh long. “Chúng tôi có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước, với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm. Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều... Thời gian từ giờ đến Tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn” - bà Hồng nói.

Bà Hồng cho biết thêm, những sản phẩm nông sản ở cửa khẩu có khả năng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, những nông sản này khó xuất theo dạng quả tươi sang Mỹ, châu Âu. “Nếu sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khả năng mở rộng thị trường cũng như tiêu thụ nội địa sẽ cao hơn” - bà Hồng chia sẻ.

Đề xuất cách giải quyết nông sản đang ùn tắc ở cửa khẩu, lãnh đạo Nhà máy chế biến nông sản Cánh Đồng Vàng (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, có thể chuyển sang sấy khô một số loại trái cây. Hiện, công ty vẫn đang tiếp nhận sấy gia công cho các đơn vị có xe ùn ứ tại Lạng Sơn.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần tập đoàn Transin cho rằng, mạng lưới của công ty phủ rộng cả nước, có giao thương sang cả Trung Quốc và đa dạng các loại hình vận chuyển. Trong thời gian dịch bệnh, việc vận chuyển xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn. Để tránh ùn tắc nông sản tại cửa khẩu như thời gian qua, ông Tuấn đưa ra một giải pháp vận tải bằng đường sắt. Cụ thể, Transin phối hợp Cục Đường sắt Việt Nam sẽ chuyển hàng từ điểm tập kết ở ga Yên Viên đến ga Đồng Đăng, rồi qua Bằng Tường, Nam Ninh.

Tính cả thời gian dừng, chờ tại điểm trung chuyển, tổng thời gian khoảng 24 giờ. Năng lực vận tải hiện là 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container. Đây là một năng lực rất đáng kể. Dù vậy, hình thức vận chuyển này mới dừng ở mức container nóng, nên chỉ có thể sử dụng cho nông sản đồ khô và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-tap-doan-ban-le-san-sang-giai-cuu-nong-san-post447163.html