Các nhà xuất khẩu lạc quan về tỷ giá

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói ít bị ảnh hưởng từ đợt biến động tỷ giá VND/USD gần đây.

Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn (TP.HCM) cho biết, giá USD tăng cao trong hơn một tháng qua đã bắt đầu tạo ra tâm lý e ngại trong cộng đồng DN. Bình quân mỗi tháng Nam Thái Sơn phải chi ra khoảng 2 triệu USD để nhập khẩu hạt nhựa về sản xuất hàng hóa, nên khi giá USD tăng lên, riêng tháng 6 vừa qua công ty đã phải bù thêm gần 500 triệu đồng chênh lệch tỷ giá để thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu.

Các NHTM đã điều chỉnh giảm giá mua, bán USD

Việc phải chi thêm tiền để nhập hàng theo ông Việt Anh là bất lợi về chi phí, đồng thời cũng gây sức ép phần nào lên kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tỷ giá tăng lại giúp tăng giá trị của các đơn hàng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.

Hơn thế, nếu nhìn một quá trình từ đầu năm đến nay, tỷ giá tương đối ổn định, tính từ đầu năm tỷ giá mới chỉ tăng khoảng hơn 1%; trong khi các ngân hàng vẫn cho vay ngoại tệ lãi suất thấp hơn lãi suất vay tiền đồng khá nhiều để phục vụ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy xét về tổng thể, DN hoàn toàn có thể cân đối được, bằng cách giảm tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu.

Ở ngành hàng may mặc, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm đa số các DN trong lĩnh vực này đã có đủ đơn hàng hết quý III và đang đàm phán cho những hợp đồng dài hạn quý sau.

“Các hợp đồng nhập khẩu nguyên, phụ liệu hầu hết được thực hiện thời điểm sau Tết Nguyên đán 2018 và trong tháng 3 nên ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá”, vị đại diện Vitas cho biết.

Trong khi các DN sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu không quá lo ngại về tỷ giá như kể trên thì ở nhóm các ngành xuất khẩu, đặc biệt là nông - thủy sản, tỷ giá tăng lại đang tạo thêm lợi nhuận. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong tháng 6 vừa qua các DN xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản được hưởng lợi khá lớn, một số DN có lợi nhuận cao gấp đôi tháng trước nhờ đối tác thanh toán bằng USD trong thời điểm giá đồng bạc này có những ngày giao dịch ở mức 23.000 đồng/USD.

Quan sát một cách tổng thể, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, rau quả, đồ gỗ - lâm sản… đều có mức tăng từ 13-42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính tỷ giá thương mại (TOT) bình quân 6 tháng đầu năm 2018 giảm 0,37% thì hầu hết các DN xuất khẩu đều được hưởng lợi kép. Một mặt bán được hàng xuất khẩu với giá cao hơn giá nhập khẩu nguyên liệu, mặt khác được hưởng lợi đáng kể từ chênh lệch tỷ giá khi các đối tác thanh toán bằng USD.

Mặc dù diễn biến của tỷ giá VND/USD có những thời điểm tăng trong 2 tháng gần đây được giới phân tích cho rằng do tâm lý ảnh hưởng từ biến động của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, NHNN đã bám sát diễn biến trên thị trường thế giới và xác định nguyên nhân biến động tỷ giá từ bên ngoài chứ không phải nội tại. Bởi các chỉ số tăng trưởng GDP, lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu… trong nửa đầu năm nay của Việt Nam đang tích cực, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Theo BVSC cần hạn chế tâm lý thị trường để hạn chế đầu cơ bình ổn thị trường ngoại tệ. Cũng có chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhìn nhận, dù chịu nhiều áp lực từ thị trường quốc tế, trong năm nay nếu tỷ giá VND/USD tăng trong khoảng 1-2% là chấp nhận được.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu ngoại tệ tăng nhưng không quá nhiều, nếu diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dịu xuống trong những tháng cuối năm nay, đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế thì tỷ giá VND/USD sẽ tự giảm dần, cùng với lượng dự trữ ngoại hối trên 63,5 tỷ USD sẽ đệm đỡ cho những cú sốc bên ngoài.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cac-nha-xuat-khau-lac-quan-ve-ty-gia-77478.html