Các di chỉ trong hang động - thời đại đá mới ở Tuyên Quang (Tiếp theo)

Nhóm công cụ mảnh có 92 chiếc, chiếm 5,92% tổng số hiện vật. Đây là nhóm hiện vật được gia công từ những mảnh cuội bổ có kích cỡ vừa phải và hình dạng hình học.

Công cụ đồ đá mới, tìm thấy năm 1956 ở xã An Khang (TP Tuyên Quang) có niên đại khoảng 6.000 năm.

Người xưa đã bổ tách đôi hòn cuội, phần lớn những mảnh này có điểm ghè tách ở rìa dọc của viên cuội. Nhóm này có các loại công cụ hình đĩa, công cụ hình bầu dục, hình bán nguyệt, hình thang. Ngoài một số công cụ hình bầu dục hay oval kích thước khá lớn có thể sử dụng với chức năng chặt; còn phần lớn đều nhỏ, mỏng dùng để cắt nạo. Công cụ mảnh cuội cũng là một trong những đặc trưng của di chỉ này, vì nhóm này phân bố đồng đều ở cả lớp văn hóa sớm và muộn của di chỉ.

Nhóm công cụ không qua chế tác chiếm 6,38%. Loại hình công cụ của nhóm này gồm: hòn ghè, chày nghiền, bàn nghiền, bàn mài. Những hòn ghè đập thường dùng đá quartz. Chày nghiền khá nhiều với các hình dạng khác nhau, còn bàn nghiền thì rất hiếm. Bàn mài ở Phia Vài thường làm bằng các mảnh sa thạch dạng phiến, có thể khai thác ngay trong các mạch đá nằm xen kẽ với đá vôi. Ở đây, bàn mài thường phẳng, vết mài sơ qua, nhiều khi lẫn với mặt nhẵn tự nhiên của đá phiến. Nhóm này phân bố chủ yếu ở lớp văn hóa muộn của di chỉ.

Nhóm mảnh đá có vết ghè và mảnh tước có 1.022 di vật, chiếm 65,81% tổng số hiện vật. Trong số đó, mảnh tước đầu tiên có 130 tiêu bản, mảnh tước thế thứ có 473 tiêu bản. Nhóm này phân bố đồng đều ở cả lớp văn hóa sớm và muộn của di chỉ. Mảnh đá có vết ghè ở Phia Vài chủ yếu là những mảnh cuội có vết gia công nhưng chưa tạo thành rìa lưỡi hoặc những phế vật loại bỏ của quá trình chế tác. Số lượng mảnh đá có vết ghè ở Phia Vài khá nhiều, điều đó chứng tỏ việc chế tác công cụ đá ở đây diễn ra thường xuyên; sự lãng phí nguyên liệu cũng lớn, có lẽ do sẵn nguồn nguyên liệu tại chỗ. Mảnh tước ở Phia Vài không nhiều so với tỷ lệ công cụ; kích thước mảnh tước thường hơi lớn và vừa, hiếm mảnh tước nhỏ. Điều này càng góp phần khẳng định kỹ thuật ghè đẽo công cụ ở Phia Vài khá đơn giản, bởi chỉ vài nhát ghè là có thể thành một công cụ; việc tu chỉnh hình dáng và rìa lưỡi cũng ít được chú ý.

Trong số di vật đá ở Phia Vài, những vật dùng vào việc trang trí hay nghi lễ như thổ hoàng khá phổ biến. Ngoài ra, còn có một viên cuội phiến sét đục lỗ dùng để đeo làm đồ trang sức hoặc nhu cầu tín ngưỡng nào đó.

Kỹ thuật chủ đạo trong chế tác công cụ của người Phia Vài là ghè đẽo trực tiếp. Kỹ thuật tu chỉnh ít phổ biến và thiếu hẳn kỹ thuật tách mảnh tước từ hạch đá.

Kỹ thuật ghè đẽo đặc trưng khác ở Phia Vài là ghè xung quanh, hướng tâm viên cuội (kỹ thuật Sumatralith). Thủ pháp này đã tạo nên những loại hình công cụ Sumatralith với các dạng hình bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn,... ở sưu tập Phia Vài, kỹ thuật Sumatralith kết hợp chặt chẽ với kỹ thuật bổ cuội, và chúng tỷ lệ thuận với nhau trong loại hình rìu ngắn.

Kỹ thuật chặt bẻ là một thủ pháp hữu hiệu nhằm tạo ra loại hình công cụ lao động. Chặt bẻ là bước kỹ thuật thứ hai tiếp theo sau khi đã tạo ra được các công cụ có rìa lưỡi, rìa dọc, công cụ 1/4 cuội, công cụ hình bầu dục tạo công cụ rìu ngắn.

Một kỹ thuật khác khá phổ biến ở Phia Vài là kỹ thuật ghè đẽo hạn chế ở rìa cạnh của cuội, trên một mặt, theo một hướng. Với kỹ thuật này, đã tạo ra những công cụ chặt thô hoặc mũi nhọn thô. Đây là kỹ thuật khá cổ, rất phổ biến từ thời đại Đá cũ và là kỹ thuật đặc trưng trong văn hóa Sơn Vi - một văn hóa hậu kỳ Đá cũ ở nước ta. Rất hiếm chế phẩm được ghè lưỡi từ hai mặt.

Phia Vài là di chỉ - xưởng - mộ táng, vết tích cư trú thể hiện rất rõ qua tầng văn hóa chứa công cụ lao động, than tro, bếp. Bước đầu đã xác định đây là nơi cư trú khá liên tục của cư dân thời Tiền sử trải qua vài ngàn năm, nhưng số lượng dân cư không lớn lắm.

Vết tích chế tác công cụ lao động tại nơi cư trú khá rõ, thể hiện qua số lượng khá lớn mảnh tước nhỏ tách ra từ việc đẽo lại rìa lưỡi công cụ; một số hòn ghè đập, bàn mài... Song rõ ràng đây không phải là công xưởng thật sự chuyên chế tác đá. Phia Vài cũng như nhiều di tích văn hóa hang động khác là nơi tái chế công cụ lao động nên ý nghĩa xưởng là ở đó.

Vết tích mộ táng thể hiện rõ ở sự hiện diện của ngôi mộ chứa di cốt bán hóa thạch người cổ Homosapiens. Người xưa đã đặt mộ ngay nơi cư trú với nghi thức mai táng rất độc đáo và cổ sơ.

Cư dân cổ Phia Vài sống trong hang động và khai thác nguồn thức ăn từ động thực vật; chế tác công cụ lao động và tín ngưỡng về cơ bản giống với cư dân hệ thống văn hóa Hòa Bình. Những công cụ hình bầu dục, hình đĩa, oval, hình chữ U dạng rìu ngắn mặc dù không đậm đặc nhưng hoàn toàn mang dáng dấp truyền thống của loại hình và kỹ thuật Hòa Bình. Hơn nữa, những di vật như chày nghiền, đá có lỗ vũm, thổ hoàng ở Phia Vài cũng luôn hiện diện trong các di tích Hòa Bình. Do đó, có thể kết luận: Phia Vài là một di chỉ thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình.

Tuy vậy, Phia Vài cũng có những điểm đặc thù. Ở đây, phần lớn là công cụ ghè đẽo thô sơ dạng chopper khá giống với đồ đá của giai đoạn hậu kỳ Đá cũ - loại hình và kỹ thuật Sơn Vi. Sự tương đồng trên có lẽ mang tính chất truyền thống. Vấn đề được lý giải ở đây chính là sự thích ứng kỹ thuật với môi trường sống. Trong điều kiện hệ sinh thái đa dạng, nguồn thức ăn phong phú cư dân cổ Phia Vài có nhiều thuận lợi trong hoạt động hái lượm, săn bắt, có nhiều hoạt động không cần đến công cụ. Nhu cầu cách tân kỹ thuật không bức xúc nên những loại công cụ truyền thống vẫn được duy trì khá lâu dài. Điều đó có lẽ cũng phù hợp với việc rất hạn chế sử dụng công cụ mài ở đây.

(Còn nữa)

Thảo Chi (Theo Địa chí Tuyên Quang)

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/cac-di-chi-trong-hang-dong-thoi-dai-da-moi-o-tuyen-quang-tiep-theo-187214.html