Các đại gia về hưu của Nhật Bản 'đốt tiền' thế nào

Nếu các thương hiệu như túi Hermes, đồng hồ Rolex được nhiều "đại gia" lựa chọn thì ở Nhật Bản rất nhiều người cao tuổi nghỉ hưu lại mạnh tay chi cho việc đi du lịch hạng sang.

Chủ tịch công ty đường sắt lớn nhất đảo Kyushu đang phải đối mặt với vấn đề lớn là quá ít người đi đường tàu của ông. Dân số đang ngày càng già đi và nhiều người nghỉ hưu cũng không còn có nhu cầu sử dụng tàu để đi làm. Giải pháp tối ưu nhất là khiến người dân cảm thấy hứng thú đối với những thứ mà người ta còn cảm thấy thực sự cần thiết đó chính là biến chiếc tàu bình thường thành tàu hạng sang.

Chiến lược này đã tạo nên "cơn sốt" không ngờ khi hai công ty đường sắt hàng đầu Nhật Bản khác cũng làm theo. Hồi tháng 5, Công ty đường sắt East Japan Railway Co. đã cho ra mắt chiếc tàu siêu sang chỉ có 10 toa và chỉ chở 34 hành khách. Chiếc tàu được thiết kế dựa trên cảm hứng của tàu Orient Express nổi tiếng nhưng được cách tân theo xu thế hiện đại. Thực đơn trên tàu do chính tay đầu bếp Michelin thực hiện.

Mặc dù giá vé cho một chuyến kéo dài 3 đêm trị giá tới 8.400 USD (tương đương khoảng 190 triệu VND) nhưng toàn bộ số vé đã được bán hết trong tháng 3.

Ngay cả khi sau 7 lần suy thoái kinh tế chỉ trong vòng 2 thập kỷ thì người Nhật Bản vẫn giàu có. Theo thống kê từ Công ty Bain & Company, số lượng người giàu ở Nhật Bản cao hơn bất cứ nước nào ngoại trừ Mỹ. Năm ngoái, chỉ duy nhất thị trường hàng xa xỉ của nước này tăng trưởng. Nếu các thương hiệu như túi Hermes, đồng hồ Rolex được nhiều "đại gia" lựa chọn thì ở Nhật Bản rất nhiều người cao tuổi nghỉ hưu lại mạnh tay chi cho việc đi du lịch hạng sang.

Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ du lịch Expedia, ông Greg Schulze nhận định thị trường hàng xa xỉ ở Nhật Bản đang phát triển rầm rộ. Và thị trường du lịch hạng sang cũng đang bắt kịp xu thế này.

Số lượng du khách nước ngoài đến với Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng các dịch vụ cao cấp của những công ty du lịch trong nước lại đa phần là khách nội địa. Ông Fujio Umemoto là một trong số những người như vậy. Sau hàng chục năm năm tiết kiệm, đến nay chính là lúc ông tiêu tiền. Ông không tiết lộ số tiền ông được nhận sau khi nghỉ hưu nhưng theo tính toán của một đồng nghiệp làm chung công ty với ông cho biết chỉ tính riêng năm ngoái khoản tiền thưởng mà ông Fujio Umemoto nhận được lên đến 210.000 USD.

Ông Umemoto chia sẻ: "Tôi đã thanh toán hết số nợ thế chấp, con cái tôi cũng đã đủ trưởng thành để không phải chu cấp tiền cho chúng. Bây giờ tôi chỉ việc hưởng thụ cuộc sống an nhàn".

Nhật Bản không có nhiều người siêu giàu - chỉ có 6 người lọt trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới do Bloomberg bình chọn so với 164 người ở Mỹ. Thế nhưng trong thực tế, số lượng triệu phú của Nhật Bản có khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên đạt tới 2,7 triệu người - thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc và Đức cộng lại.

Trên một đất nước mà dân số đang giảm sút do tâm lý "ngại sinh đẻ ", người già và người giàu là hai đối tượng đang tăng nhanh chóng. Năm 2015, thị trường chứng khoán tăng mạnh khiến tài sản của của các triệu phú Nhật Bản tăng thêm 11%, theo báo cáo về tài sản World Wealth Report công bố bởi tổ chức tư vấn Capgemini cho hay.

Thế nhưng, số lượng người giàu ở Nhật tăng đồng thời cũng là con dao 2 lưỡi khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng thêm. Số tiền lương và thưởng của người Nhật giảm trung bình 10% so với mức đỉnh năm 1997, theo thống kê từ Cơ quan Thuế Quốc gia cho hay.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp buôn bán hàng xa xỉ thì đây không phải là vấn đề to tát. Thậm chí doanh thu của họ vẫn tăng đều qua từng năm. Theo dữ liệu từ Expedia - công cụ booking trực tuyến của Mỹ cho thấy số lượng người dân Nhật Bản đặt vé máy bay hạng sang tăng nhanh gấp đôi so với hạng thường vào năm ngoái.

Theo Công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản JTB Corp cho biết số lượng khách đặt mua tour du lịch cao cấp trong năm 2016 tăng gần 10 lần so với năm 2003.

Có lẽ không một nơi nào số lượng người cao tuổi đặt tour du lịch trên du thuyền tăng mạnh như ở Nhật Bản, lên tới mức kỷ lục 248.000 người vào năm ngoái - tương đương tăng 12%, bộ giao thông vận tải nước này cho hay. Công ty du lịch Nippon Yusen K.K cũng cho biết gói du lịch đắt tiền nhất lên tới 230.000 USD bao gồm chuyến đi vòng quanh thế giới kéo dài 3 tháng rưỡi hiện đã bán hết chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt.

Nhu cầu du lịch hạng sang tăng mạnh ở Nhật Bản khiến các đối thủ nước ngoài khác cũng phải "nhòm ngó" vào "miếng bánh ngọt" này. Công ty Princess Cruises sẽ bắt đầu mở bán vé cho chuyến du lịch bằng tàu vòng quanh các cảng của Nhật bắt đầu từ tháng Tư năm sau. Hàng loạt các công ty khác như Genting (Hong Kong), MSC Cruises (Italy) cũng đang lên kế hoạch đầu đầu tư vào thị trường Nhật Bản.

Thậm chí, một số công ty Nhật Bản còn biến chiếc xe buýt bình thường trở thành chiếc xe siêu sang với chỉ 10 chỗ ngồi và thiết kế giống như khoang máy bay hạng nhất để phục vụ du khách ngắm cảnh quanh thành phố.

Hiện tại, nhiều công ty khác trong nước cũng đang đầu tư sáng tạo ra nhiều loại hình dịch vụ du lịch hạng sang khác để đáp ứng nhu cầu của các đại gia cao tuổi của nước này.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cac-dai-gia-ve-huu-cua-nhat-ban-dot-tien-the-nao-20170718054657129p99c121.news