Các cơ quan quân sự và đại học Trung Quốc vẫn mua được chip AI Nvidia bất chấp lệnh cấm từ Mỹ
Các cơ quan quân sự Trung Quốc, trường đại học và viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) do nhà nước Trung Quốc điều hành trong năm qua vẫn mua được số lượng nhỏ chip AI Nvidia đang bị Mỹ cấm xuất khẩu sang quốc gia châu Á này, theo bản đánh giá của Reuters về tài liệu đấu thầu.
Bất chấp lệnh cấm từ chính quyền Biden, việc mua chip Nvidia này cho thấy Mỹ gặp khó khăn để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến có thể thúc đẩy những đột phá về AI và máy tính tinh vi cho quân đội.
Mua hoặc bán chip cao cấp của Mỹ không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc và các tài liệu đấu thầu được công bố công khai cho thấy hàng chục thực thể Trung Quốc đã mua và nhận chip Nvidia kể từ khi các lệnh hạn chế của chính quyền Biden được áp dụng.
Những chip Nvidia đó gồm A100 và H100 mạnh hơn (bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 9.2022), cũng như chip A800 và H800 chậm hơn mà Nvidia sau đó phát triển cho thị trường Trung Quốc nhưng cũng bị Mỹ cấm bán vào tháng 10.2023.
Nvidia A100 và H100 có giá từ 30.000 đến 40.000 USD một đơn vị, còn A800 và H800 có giá từ 14.000 đến 35.000 USD một đơn vị.
Bộ xử lý đồ họa (GPU), một loại chip, do Nvidia chế tạo được nhiều người coi là vượt trội nhiều so với các sản phẩm khác về hoạt động AI vì có thể xử lý hiệu quả hơn lượng dữ liệu khổng lồ cần thiết cho các tác vụ học máy.
“
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu (deep learning) và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhu cầu tiếp tục sử dụng và tiếp cận chip Nvidia bị cấm cũng cho thấy các công ty Trung Quốc đang thiếu các lựa chọn thay thế tốt bất chấp sự phát triển của Huawei và các hãng trong nước khác. Trước lệnh cấm, Nvidia chiếm 90% thị phần chip AI của Trung Quốc.
Bên mua chip Nvidia có cả các trường đại học hàng đầu cũng như hai đơn vị Trung Quốc bị Mỹ hạn chế xuất khẩu là Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cùng Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, vốn bị cáo buộc liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc liên kết với một cơ quan quân sự gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Mỹ.
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân từng mua 6 chip Nvidia A100 vào tháng 5.2023 để đào tạo mô hình học sâu. Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc mua 1 chip Nvdia A100 vào tháng 12.2022 với mục đích chưa được xác định.
“
Học sâu là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy sâu, còn được gọi là mạng nơ-ron sâu. Mục tiêu của học sâu là tự động học các đặc trưng và biểu diễn cấp cao từ dữ liệu, giúp máy tính tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây đòi hỏi sự can thiệp của con người.
Mô hình học sâu thường được xây dựng bằng cách sử dụng nhiều lớp của các nơ-ron. Nơ-ron là các đơn vị tính toán cơ bản mô phỏng theo cách hoạt động của não người. Những mô hình này có khả năng học các biểu diễn phức tạp của dữ liệu thông qua quá trình huấn luyện trên tập dữ liệu lớn.
Học sâu đã đạt được sự chú ý lớn nhờ vào khả năng giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm nhận dạng hình ảnh, ngôn ngữ tự nhiên, dịch ngôn ngữ và nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Các mô hình nổi tiếng trong học sâu bao gồm Mạng nơ-ron tích chập (CNN) và Mạng nơ-ron hồi quy (RNN).
Không ai trong số bên mua chip Nvidia được đề cập trong bài viết này phản hồi câu hỏi của Reuters.
Cuộc đánh giá của Reuters không phát hiện ra rằng Nvidia hoặc các nhà bán lẻ được công ty Mỹ phê duyệt đã cung cấp chip cho những thực thể Trung Quốc trong trường hợp này. Chưa rõ làm thế nào các nhà cung cấp đó đã mua được chip Nvidia để bán lại cho các cơ quan quân sự, viện nghiên cứu và trường đại học ở Trung Quốc.
Tuy nhiên sau các biện pháp hạn chế của Mỹ, một thị trường ngầm cho những chip Nvidia như vậy ở Trung Quốc đã xuất hiện. Các nhà cung cấp Trung Quốc trước đó nói rằng thu mua chip dư thừa trên thị trường sau khi Nvidia chuyển số lượng lớn đến các công ty tại Mỹ, hoặc nhập khẩu thông qua những công ty được thành lập ở Ấn Độ, Đài Loan và Singapore.
Reuters đã tìm kiếm bình luận từ 10 nhà cung cấp được liệt kê trong hồ sơ mời thầu, nhưng không ai trong số họ trả lời.
Nvidia cho biết tuân thủ tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu chip hiện hành của Mỹ và yêu cầu khách hàng của mình cũng làm như vậy. Người phát ngôn Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới) nói: “Nếu biết khách hàng đã bán lại bất hợp pháp cho bên thứ ba, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp và ngay lập tức”.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Chính quyền Biden tuyên bố sẽ lấp các lỗ hổng trong các hạn chế xuất khẩu và đã chuyển sang hạn chế quyền tiếp cận chip Nvidia của các đơn vị thuộc các công ty Trung Quốc ở bên ngoài nước này.
Chris Miller, giáo sư tại Đại học Tufts và là tác giả cuốn sách Chip War: The Fight for the World's Most Critical Technology (Cuộc chiến chip: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới), nói sẽ không thực tế khi nghĩ rằng các hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể chặt chẽ vì chip sở hữu kích thước nhỏ và có thể dễ dàng buôn lậu.
Mục tiêu chính là "tạo khó khăn cho quá trình phát triển AI của Trung Quốc" bằng cách khiến việc xây dựng các cụm chip tiên tiến có khả năng đào tạo hệ thống AI trở nên khó khăn, ông nói thêm.
Cơ quan quân sự và trường đại học Trung Quốc
Cuộc đánh giá hơn 100 cuộc đấu thầu của Reuters cho thấy các cơ quan nhà nước Trung Quốc đã mua chip Nvidia A100. Hàng chục cuộc đấu thầu trong đó chỉ ra việc mua chip Nvidia A800 diễn ra ở Trung Quốc kể từ khi Mỹ ban hành lệnh cấm hồi tháng 10.2023.
Các hồ sơ dự thầu được công bố vào tháng 12.2023 cho thấy Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã mua 2 chip H100, còn một phòng thí nghiệm do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc điều hành đã mua 1 chip H100.
Các bên mua chip Nvidia gồm cả một đơn vị giấu tên thuộc Quân đội Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô), theo Reuters. Đơn vị này tìm kiếm 3 chip A100 vào tháng 10.2023 và 1 chip H100 trong tháng 1.2024.
Các cuộc đấu thầu quân sự ở Trung Quốc thường được biên tập lại rất nhiều và Reuters không thể biết ai thắng thầu hoặc lý do mua hàng.
Hầu hết cuộc đấu thầu đều cho thấy các chip đang được sử dụng cho AI. Tuy nhiên, số lượng hầu hết các giao dịch mua đều rất nhỏ, khác xa so với mức cần thiết để xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn phức tạp ngay từ đầu.
Theo công ty nghiên cứu TrendForce, một mô hình ngôn ngữ lớn tương tự GPT-4 của OpenAI sẽ cần hơn 30.000 chip Nvidia A100 để đào tạo. Thế nhưng, một số ít chip A100 vẫn có thể giúp chạy các tác vụ học máy phức tạp và nâng cao các mô hình AI hiện có.
Trong một ví dụ, Viện Trí tuệ Nhân tạo Sơn Đông đã ký hợp đồng trị giá 290.000 nhân dân tệ (40.500 USD) với hãng Công nghệ Điện tử Sơn Đông Thành Sương vào tháng 12.2023 để mua 5 chip Nvidia A100.
Nhiều gói thầu quy định nhà cung cấp phải giao hàng và lắp đặt sản phẩm trước khi nhận thanh toán. Hầu hết trường đại học Trung Quốc cũng công bố thông báo cho thấy giao dịch đã hoàn tất.
Được mệnh danh là “Viện Công nghệ Massachusetts của Trung Quốc”, Đại học Thanh Hoa thường xuyên mở thầu mua sắm lớn và đã mua khoảng 80 chip Nvidia A100 kể từ khi Mỹ ban hành lệnh cấm vào năm 2022.
Hồi tháng 12.2023, Đại học Trùng Khánh (Trung Quốc) đã công bố mời thầu mua 1 chip Nvidia A100, trong đó tuyên bố rõ ràng rằng nó không thể là hàng cũ hoặc tháo rời mà phải "mới tinh". Việc giao hàng đã được hoàn thành trong tháng 1.2024, theo Reuters.