Ca COVID-19 trong cộng đồng ở Thư Lan (Trung Quốc) lây nhiễm 40 người

Tàu chiến Bệnh viện bác sĩ Soeharso tham gia ứng phó đại dịch COVID-19. Ảnh: Republika

* Quân đội Indonesia điều tàu chiến hỗ trợ ứng phó với COVID-19

Tính đến sáng 18/5, Indonesia đã ghi nhận 17.520 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.148 người tử vong. Đối phó với đại dịch COVID-19 bùng phát nhanh chóng, quân đội Indonesia đã có những biện pháp hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của đại dịch toàn cầu.

Dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Quân đội Indonesia, lực lượng vũ trang nước này đã đẩy nhanh việc xử lý dịch COVID-19 thông qua bảo vệ an ninh khu vực biên giới.

Cụ thể, lực lượng bảo vệ lãnh thổ và biên giới được huy động để kiểm tra tình hình xuất nhập cảnh tại các cảng biển, sân bay, cửa khẩu biên giới trên đất liền và các tuyến đường mòn dọc biên giới nối với các quốc gia láng giềng.

Trong cuộc họp trực tuyến tại Tổng hành dinh Quân đội Indonesia cuối tuần qua, Trưởng phòng Thông tin chung của Trung tâm Thông tin Lực lượng vũ trang, Đại tá Sus Taibur Rahman cho biết, các thiết bị quốc phòng được kết hợp sử dụng trong chiến dịch này là Tàu chiến Indonesia (TKI) và máy bay tuần tra quân sự hàng hải.

Theo ông Sus Taibur Rahman, quân đội Indonesia còn tham gia các chiến dịch xử lý y tế. Theo đó, 3 bệnh viện chính chỉ định về COVID-19 và 19 bệnh viện tuyến để hỗ trợ đã được chuẩn bị để xử lí các ca nghi nghiễm và nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngoài các cơ sở y tế trên đất liền, quân đội Indonesia cũng chuẩn bị "Tàu chiến Bệnh viện bác sĩ Soeharso" và "Tàu chiến Semarang" cùng 5 bệnh viện dã chiến ở các Tiểu đoàn quân y.

Tư lệnh Quân đội Indonesia, ông Hadi Tjahjanto cũng ra lệnh cho quân đội Indonesia phối hợp với các cơ quan chính quyền, cảnh sát quốc gia, các bộ ban ngành liên quan để đảm bảo an ninh cho các con đường hậu cần trong bối cảnh đất nước đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mô lớn ở một số tỉnh và thành phố. Bên cạnh đó, quân đội Indonesia cũng tham gia vào việc phân phối mạng lưới an sinh xã hội ở nhiều khu vực.

Ngoài việc hỗ trợ an ninh liên quan đến hậu cần và các nguyên tắc trong giới hạn xã hội, quân đội Indonesia còn tổ chức tuần tra chung để đảm bảo các lệnh của chính phủ được thực thi một cách nghiêm chỉnh, trong đó có lệnh cấm về quê trước lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo.

Quan chức y tế Trung Quốc thừa nhận vẫn còn những lỗ hổng và tâm lý lơ là trong công tác phòng chống dịch tại một số địa phương.

Tính đến hết ngày 17/5, ca COVID-19 phát hiện trong cộng đồng ở thành phố Thư Lan đã gây lây nhiễm cho 40 người ở 5 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 2 tỉnh ở miền đông bắc Trung Quốc, trong đó có 37 người bệnh và 3 trường hợp không triệu chứng.

Vụ việc này cũng đã khiến Bí thư thành ủy Thư Lan cùng 5 quan chức trong ngành y tế và lực lượng công an địa phương bị miễn nhiệm. Đến nay, nguồn lây của ca bệnh cộng đồng đầu tiên là 1 nữ nhân viên giặt là của Sở Công an TP Thư Lan vẫn là một bí ẩn.

Theo nhận định của bà Vương Bân, quan chức Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, cụm dịch này cho thấy còn tồn tại những mắt xích yếu trong công tác phòng chống dịch tại một số địa phương ở nước này.

Bà Vương Bân nói: "Trước tiên, một số nơi đã có tư tưởng lơ là buông lỏng, một bộ phận người dân đã lơi lỏng ý thức tự bảo vệ. Thứ hai, cần nâng cao ý thức và năng lực phòng hộ của những người đảm nhận trách nhiệm đưa đón người nhập cảnh và tại các điểm cách ly tập trung. Thứ 3, cụm dịch này nhắc nhở chúng ta cần mở rộng phạm vi xét nghiệm, đặc biệt là đối với các đối tượng trọng điểm cần thực hiện xét nghiệm triệt để".

Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm coi cụm dịch cộng đồng này là một bài học "đau đớn" và yêu cầu các địa phương trong tỉnh sớm sửa chữa thiếu sót, tăng cường trách nhiệm cá nhân, làm tốt công tác phòng chống dịch từ những chi tiết nhỏ nhất.

L.H (tổng hợp từ VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239942/ca-covid-19-trong-cong-dong-o-thu-lan-trung-quoc-lay-nhiem-40-nguoi.html