BVSC: HOSE cần 3,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020 để vốn hóa TTCK đạt 70% GDP

Để tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP đạt mức 70% từ mức 39% hiện tại, vốn hóa thị trường cần tăng xấp xỉ gấp 2,3 lần, tức vốn hóa của sàn HOSE cần tăng từ 1,4 triệu tỷ đồng hiện tại lên xấp xỉ 3,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 70% GDP từ mức 39% hiện tại. Đó là một trong những mục tiêu trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ đề xuất lên Quốc hội.

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết “Thị trường tài chính chưa được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp”. Đánh giá trên cho thấy, cùng với nâng cao chất lượng hoạt động bền vững của thị trường chứng khoán, yêu cầu bức thiết đang đặt ra là phải gia tăng quy mô của thị trường, để vừa giảm áp lực tài trợ vốn lên vai hệ thống ngân hàng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tìm kiếm các nguồn vốn trung và dài hạn qua thị trường chứng khoán.

Theo phân tích của ông Trần Đức Anh, chuyên gia phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC), với giả định mức tăng trưởng GDP bình quân từ nay đến năm 2020 là 6,3% mỗi năm, để tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP đạt mức 70% từ mức 39% hiện tại, vốn hóa thị trường cần tăng xấp xỉ gấp 2,3 lần, tức vốn hóa của sàn HOSE cần tăng từ 1,4 triệu tỷ đồng hiện tại lên xấp xỉ 3,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Có thể thấy mức tăng trưởng trên là tương đối khó khăn khi đa số các doanh nghiệp đầu ngành, vốn hóa lớn đã có mặt trên sàn. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Đức Anh cho rằng Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn sau IPO, đẩy mạnh thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước và đưa ra các cơ chế phù hợp để tăng tính sôi động của thị trường chứng khoán.

Mặc dù đây là mục tiêu không dễ đạt được, tuy nhiên lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ở thị trường vốn, giúp vai trò của hệ thống ngân hàng trở lại với đúng bản chất là cung cấp vốn vay ngắn hạn, nhường vai trò cung ứng vốn trung dài hạn cho thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, theo dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế do Bộ kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội tới đây, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là còn nhiều mặt chưa đạt được trên cả ba lĩnh vực: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu thị trường tài chính. Cụ thể, về tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa tiến triển chậm và thiếu thực chất. Giai đoạn 2012-2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng, chỉ tương đương 2% giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN. Bên cạnh đó, phần lớn DNNN có kết quả kinh doanh thấp: tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực này chưa năm nào vượt quá 6%.

Về tái cơ cấu đầu tư, vốn đầu tư Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tình trạng thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình thấp vẫn tồn tại. Đến cuối năm 2015, tổng vốn đầu tư ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi còn khoảng 79.000 tỷ đồng; tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản còn phải xử lý là 51.000 tỷ đồng, dẫn đến áp lực đối với điều hành ngân sách.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính, nợ xấu ngân hàng vẫn còn cao khiến lãi suất cho vay khó giảm sâu và tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; các ngân hàng gặp khó trong việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính; lãi suất cho vay có xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát và mức lãi suất của nhóm nước ASEAN 4…

Theo bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích vĩ mô của BVSC, những đánh giá trong bản dự thảo trên là khá xác đáng và thẳng thắn trong việc nêu ra những điểm còn tồn tại của công cuộc tái cơ cấu kinh tế 5 năm qua. Đây cũng là những tham chiếu quan trọng giúp Chính phủ rút ra nhiều kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020).

Về công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN, Chính phủ đã có những chuyển động mạnh mẽ hơn ngay trong năm 2016 này như: chỉ đạo SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn (trong đó có 8 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn với giá trị thị trường gần 5 tỷ USD) hay gần đây là quyết liệt yêu cầu Sabeco và Habeco phải sớm niêm yết trên sàn chứng khoán sau nhiều năm trì hoãn…Bà Yến cho rằng việc thực hiện tốt những điều này sẽ là điểm cộng cho thị trường chứng khoán, giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư, thu hút thêm nhiều dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bvsc-hose-can-32-trieu-ty-dong-vao-nam-2020-de-von-hoa-ttck-dat-70-gdp-post212338.info