Bù Gia Mập - 14 năm vượt khó vươn lên

Bù Gia Mập là huyện biên giới, miền núi được thành lập theo Nghị quyết số 35 ngày 11-8-2009 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2009. Đến năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 931 ngày 15-5-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chia tách huyện Bù Gia Mập để thành lập huyện Phú Riềng. Sau chia tách, huyện Bù Gia Mập còn 8 xã, trong đó 2 xã có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. 14 năm chung lưng đấu cật, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Gia Mập đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho vùng đất này.

Bước chuyển mình toàn diện

Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa được đầu tư, nhất là hệ thống đường giao thông, trên địa bàn huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhận thức những khó khăn đó, ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện đã xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. 14 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kinh tế huyện Bù Gia Mập đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản dự kiến đạt 3.930 tỷ đồng, trong khi năm 2010 chỉ đạt 1.707 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.826 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2023 tăng bình quân 6,4%/năm. Huyện đã quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Phú Nghĩa II với diện tích 30 ha, Phú Nghĩa III 30 ha và Đa Kia 75 ha. Các cụm công nghiệp này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 204 doanh nghiệp đang hoạt động. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện năm 2023 là 2.913 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,2%/năm.

Khởi công công trình nhà văn hóa thôn 9, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách trên địa bàn huyện qua các năm luôn đảm bảo dự toán và kế hoạch được giao; việc quản lý, giám sát và kiểm tra thu, chi ngân sách chặt chẽ, đúng quy định. Bình quân thu ngân sách mỗi năm tăng hơn 12%, vượt chỉ tiêu Đại hội XII của huyện đề ra. Đến nay, toàn huyện có 6/8 xã được công nhận đạt nông thôn mới và 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao; toàn huyện đạt trung bình 17,36 tiêu chí, tăng 14,11 tiêu chí so với năm 2009. Giai đoạn 2020-2023, huyện Bù Gia Mập đã đầu tư làm hơn 135km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù và hơn 15.802m2 sân bê tông, vượt kế hoạch tỉnh giao.

Thượng tá Đoàn Tô Hoài, Phó Giám đốc Viettel Bình Phước mong muốn với những suất học bổng sẽ tiếp thêm động lực để các em học sinh nỗ lực vượt khó vươn lên - Ảnh: Xuân Túc

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có những bước phát triển tốt.Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT qua các năm luôn đứng thứ hạng cao so với toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư đồng bộ, kiên cố từ huyện đến xã, trong đó có 8/35 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chất lượng y tế ngày càng được nâng lên, đạt 1,15 bác sĩ/vạn dân. Các hoạt động bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công được thực hiện tốt.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ 8,26%năm 2009, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 3,94%. Từ khi thành lập huyện đến nay, Bù Gia Mập đã vận động hỗ trợ xây dựng 2.073 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, với tổng 136,213 tỷ đồng; vận động quà tết cho hơn 132.000 lượt đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội, người có công... với tổng 46,445 tỷ đồng.

14 năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện đã xây dựng và bàn giao 2.703 nhà tình thương, tình nghĩa với tổng trị giá 136,214 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, đã giảm hơn 3.150 hộ nghèo dân tộc thiểu số so với năm 2010, góp phần từng bước nâng cao đời sống, dân trí cho người dân, đặc biệt là thoát dần tình trạng lạc hậu, khôi phục phát triển kinh tế. Công tác quốc phòng được củng cố, xây dựng lực lượng chính quy từng bước tinh nhuệ và hiện đại, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. An ninh trên tuyến biên giới luôn được giữ vững, ổn định.

Xây nền tảng vững chắc

Công tác xây dựng Đảng được huyện chú trọng trên cả 4 mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng hệ thống chính trịluôn được các cấp ủy đảng chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch được chú trọng. Công tác kết nạp đảng viên hằng năm đảm bảo chỉ tiêu tỉnh giao. Tính đến nay, huyện có 46 chi, đảng bộ cơ sở, với 81 chi bộ trực thuộc và 1.816 đảng viên.Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường và đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày được nâng cao. Công tác dân vận của hệ thống chính trị được tăng cường. Hoạt động của MTTQ và đoàn thể huyện tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại diện lãnh đạo các trường học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nhận học bổng “Vì em hiếu học” từ Viettel Bình Phước - Ảnh: Xuân Túc

Thực tế cho thấy, sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; giá các mặt hàng nông sản còn ở mức thấp; tình trạng nợ đọng thuế vẫn cao đã ảnh hưởng làm giảm nguồn thu ngân sách của huyện. Thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững gặp khó khăn về vốn. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, thoát nghèo chưa thực sự bền vững.

Để khắc phục những hạn chế và xây dựng huyện ngày một phát triển, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả 3 nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tạo chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

14 năm - một chặng đường đầy gian nan, thử thách với bộn bề khó khăn, từ một huyện hoang sơ, đến nay Bù Gia Mập đã trở thành một trong những huyện biên giới có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ thuận lợi, ra sức thi đua lao động, sản xuất, tin rằng Bù Gia Mập sẽ đạt được những thành tựu mới trên con đường xây dựng và phát triển, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ghi thêm nhiều trang mới của một Bù Gia Mập thời kỳ xây dựng, phát triển và hội nhập.

Nguyễn Đình Quyền
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Gia Mập

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/150228/bu-gia-map-14-nam-vuot-kho-vuon-len