BOT Nam Cầu Giẽ: Làm đường tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QL1 để hoàn vốn?

Nhiều bằng chứng cho thấy, để hợp thức hóa trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ, Bộ GTVT đã cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Quốc lộ 1 để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đoạn tránh TP.Phủ Lý.

Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường tránh TP. Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên QL 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài là 43,4km trong đó phần tuyến tránh TP. Phủ Lý, có điểm đầu phía Nam ở trạm thu phí Nam cầu Giẽ (Km216+874, Quốc lộ 1). Điểm cuối tại nút giao Đường tỉnh 494 với QL1 (Km235+885) với tổng chiều dài là 23,3km. Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 80km/giờ.

Theo đó, dự án này được thực hiện bởi Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC. Đây là công ty được thành lập trên cơ sở liên kết vốn giữa 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, Công ty cổ phần Xây dựng Cotec và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1). Trong đó, ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đối tác chính hỗ trợ vốn cho dự án này.

Phần tăng cường tuyến QL1 hiện tại đoạn Km215+775-Km235+885 được tăng cường theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế là 80km/giờ. Tuyến đường sẽ đi qua địa phận các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam.

Không có nhiều phương tiện qua lại trên tuyến tránh Phủ Lý. Ảnh: Nhật Tân

Đáng nói, mục đích của dự án là đầu tư 2.100 tỉ đồng để làm tuyến tránh TP. Phủ Lý, còn việc đầu tư tăng cường mặt QL1 chỉ là hạng mục phụ đi kèm theo chứ không phải là mục tiêu cốt lõi để dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thế nhưng có một nghịch cảnh đang diễn ra tại dự án này đó chính là việc đường tránh thì vắng hoe kể từ khi tuyến đường đi vào hoạt động. Không chỉ có thế, để thu phí hoàn vốn cho dự án này, trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ lại được án ngữ trên QL1 – không liên quan đến tuyến tránh. Chính việc làm này khiến cho người dân bức xúc bởi họ không hề đi qua tuyến tránh mà vẫn phải rút tiền trả với mức phí thấp nhất là 25 ngàn đồng.

Trao đổi với PV, anh Tống Đức Văn - chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết: “Chúng tôi không hề đi qua tuyến tránh nhưng vẫn phải trả tiền. Nếu như chủ đầu tư đặt trạm thu phí trong đường tránh thì chúng tôi không có ý kiến. Nhưng việc đặt ngoài QL1 để thu phí là một điều rất bất hợp lý. Việc làm này của doanh nghiệp chẳng khác gì ăn chặn tiền của những người có xe ô tô”.

Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đang đặt "nhầm" trên quốc lộ 1A.

Theo tài liệu PV có được, cuối năm 2014, UBND tỉnh Hà Nam đã dễ dàng thuyết phục được liên bộ gồm GTVT và Tài chính đồng thuận cho đơn vị chủ đầu tư đặt trạm thu phí tại vị trí km216+600 trên QL1, nghĩa là không cần biết các phương tiện có đi trên đường tránh TP. Phủ Lý không, miễn là tất cả các phương tiện đi qua trạm BOT Nam Cầu Giẽ đều buộc phải trả phí mới được đi qua.

Để hợp thức hóa trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ, ngày 24/11/2016, bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3591 cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Km216+600), Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+775 - Km235+885, tỉnh Hà Nam theo hợp đồng BOT.

Theo Quyết định 3595, các mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện khi đi qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ như sau: Đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25 nghìn đồng/vé/lượt, 750 nghìn đồng/vé/tháng và 2,025 triệu đồng/vé/quý; xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40 nghìn đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý…

Trước và sau trạm thu phí, hoàn toàn không có chỉ dẫn đi vào đường tránh.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội về việc nâng cấp tuyến tránh thành phố Phủ Lý, ông Phạm Ngọc Thuấn – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC (nhà đầu tư) cho biết: "Cơ bản tuyến đường này là làm mới, một số đoạn đường có dựa trên cốt đường cũ nhưng đã được mở rộng, làm theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng".

Vị lãnh đạo Công ty FCC cũng chỉ trả lời chung chung trước những ý kiến thắc mắc về việc nâng cấp tuyến đường tránh nhưng lại đặt trạm thu phí tại vị trí trên Quốc lộ 1.

Trong khi đó, khi hỏi về những bức xúc của người dân về việc bất cập trong thu phí tại trạm BOT Nam Cầu Giẽ, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho rằng: “Đây là chính sách và Bộ GTVT cũng đã phát ngôn. Báo chí cứ đăng làm gì?”.

Văn bản của Sở GTVT Hà Nam giải thích lý do lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí trên QL1.

Và cũng như nhiều dự án BOT khác trên khắp cả nước, dự án này hiện cũng đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, vị trí của trạm BOT Nam Cầu Giẽ còn khó hiểu hơn vị trí của trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) - vốn gây nhiều bức xúc thời gian qua, bởi tuyến tránh thị xã Cai Lậy còn dễ tìm, dễ đi và thiết thực chứ không rắc rối như tuyến tránh TP. Phủ Lý (đến nay vẫn chưa có biển chỉ dẫn).

Đặc biệt, với bài toán thực tế về tính hiệu quả, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, liệu có hay không việc cố tình “vẽ” ra tuyến tránh để hợp thức hóa việc cho nhà đầu tư chặn đường QL1 nhằm thu phí?.

Được biết, mỗi ngày trạm BOT Nam Cầu Giẽ thu được khoảng 200 triệu đồng tiền phí từ tất cả các phương tiện qua lại.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC được thành lập ngày 21/7/2014, tuy nhiên doanh nghiệp non trẻ này được giao toàn quyền khai thác, vận hành tuyến đường.

Tuyến tránh TP. Phủ Lý.

Điều đáng nói, trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ (hiện tại) chính là trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (cũ) đã bị dỡ bỏ từ tháng 4/2013 khi tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình được thông tuyến.

Với mục đích tránh việc phí chồng phí, quá nhiều trạm thu phí trên các nẻo đường đổ về Thủ đô Hà Nội bị người dân phản ứng dữ dội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đóng trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Việc dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ là phù hợp khi tuyến cao tốc BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình được thông tuyến vào năm 2013. Từ đó, giúp người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Nội có quyền lựa chọn đi đường BOT (mất phí) hoặc Quốc lộ 1 (miễn phí).

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngay sau thời điểm Chính phủ yêu cầu dỡ bỏ, UBND tỉnh Hà Nam và Bộ GTVT lại tiếp tục trình xin các cơ quan chức năng liên quan cho Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bot-nam-cau-gie-lam-duong-tranh-nhung-dat-tram-thu-phi-tren-ql1-de-hoan-von-20180312232048101.htm