Bóng đá Việt Nam 'nói không' với ngoại binh nhập tịch tại AFF Cup

Chuyện cầu thủ nước ngoài nhập tịch từ lâu đã được coi như một phần quen thuộc, như một xu hướng của các kỳ AFF Cup. Thế nhưng, đây cũng là một vấn đề có rất nhiều cách tiếp cận, quan điểm và thực tế khác nhau. Riêng bóng đá Việt Nam, chúng ta vẫn đang 'nói không' với các cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG, nhất là sau những chiến tích xuất sắc trên các đấu trường quốc tế ghi dấu ấn và sức lan tỏa đặc biệt từ sức mạnh nội lực.

Xung quanh chuyện nhập tịch cầu thủ ở các kỳ AFF Cup

Singpore chính là quốc gia đi đầu trong trào lưu sử dụng các cầu thủ nhập tịch. Hàng loạt cầu thủ nhập tịch như Agu Casmir (Nigeria), Daniel Bennett (Anh), Aleksandar Duric(Serbia), Shi Jiayi (Trung Quốc) đã giúp ĐT Singapore vô địch bốn kỳ AFF Cup.

Tiếp nối Singapore, Philippines cũng quyết định dùng chính sách nhập tịch để thay đổi phận “lót đường”. Ngoài chuyện sử dụng những ngoại binh 100%, họ rất biết cách tận dụng nguồn lực từ giới kiều bào, chủ yếu từ châu Âu. Chính dàn sao nhập tịch đã giúp Philippines 3 lần liền góp mặt ở bán kết AFF Cup. Brunei, TimorLeste cũng từng có “ngoại binh” kiểu này trong đội hình.

Tại AFF Cup có hai ĐT có sự xuất hiện của các “ngoại binh” gồm Indonesia với tiền vệ Stefano Lilipaly (gốc Hà Lan), tiền vệ Esteban Vizcarra (gốc Argentina) và tiền đạo Alberto Goncalves (Brazil). Philippines vẫn có hàng loạt cái tên gốc Âu Mỹ, nổi bật như tiền đạo Phil Younghusband, tiền đạo Angel Guirado.

Tuy nhiên, nhìn từ tổng thể, xu thế nhập tịch cầu thủ tưởng như sẽ ngày càng phổ biến, đang phấn nào có chiều hướng đảo ngược.

Rất đáng ngạc nhiên chính Singapore hiện tại không còn mặn mà với chính sách nhập tịch, thậm chí có thời điểm chỉ sử dụng đội hình 100%. Có lẽ họ đã hiểu rằng nó giải quyết chuyện thành tích nhất thời, trong khi nền bóng đá Singapore nói chung vẫn giẫm chân tại chỗ, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi.

Trong khi đó, 2 nền bóng đá không sử dụng chính sách dùng cầu thủ nhập tịch là Thái Lan và Malaysia lại được đánh giá là mạnh và ổn định nhất Đông Nam Á.

Vì sao Việt Nam “nói không” với ngoại binh nhập tịch?

Riêng bóng đá Việt Nam, đúng 10 năm trước, ĐTQG cũng đã có cầu thủ nhập tịch. Dưới quyền của HLV Calisto, lúc đó đội tuyển đã gọi Huỳnh Kesley, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Nguyễn Hoàng Helio... vào đá một số trận với Kuwait, Olympic Brazil, giải Cúp TP.HCM. Thế nhưng vì nhiều lý do số cầu thủ này bỗng dưng “biến mất” trước thềm AFF Cup 2008 giải đấu mà Việt Nam giành ngôi vô địch lịch sử.

Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chưa bao giờ được đặt tính đến, cho dù cũng vài lần được giới chuyên môn, truyền thông đưa ra bàn thảo, nhất là sau các giải đấu ĐTVN thất bại.

Giải thích lý do cầu thủ nhập tịch không được gọi lên Tuyển, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là phải xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm rất nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác”.

Về hai chữ “bản sắc”, ông Tuấn lấy ví dụ của thủ thành Đặng Văn Lâm: “Văn Lâm đã lên đội tuyển U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á từ năm 2011. Cậu ấy là người Việt, hộ chiếu của cậu ấy ghi Việt Nam, cậu ấy nói tiếng Việt Nam. Mọi thứ Lâm thể hiện ra đều là người Việt. Bản sắc chính là chỗ ấy đấy”.

Quan điểm của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn cũng là quan điểm của Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh. Ông Hoài Anh cho biết: “Không chỉ trường hợp của Văn Lâm, chuyện các cầu thủ có nguồn gốc Việt Nam lên tuyển là việc từng có trước đây như Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert... Đó là những cầu thủ có gốc gác Việt, có ông bà, bố mẹ là người Việt. Họ đã lên tuyển Việt Nam rất nhiều”. Khác với các cầu thủ Việt Kiều, cầu thủ nhập tịch là người nước ngoài sống ở Việt Nam đủ 5 năm, đã xin nhập quốc tịch. Họ đều chỉ học tiếng Việt khi tới Việt Nam chơi bóng và không có gốc gác Việt.

Tiếp tục chủ đề này, ông Hoài Anh phân tích: “Chúng tôi muốn cầu thủ có nguồn gốc là người Việt, được đào tạo trong nước hoặc nước ngoài. Vì chuyện đó còn liên quan tới khía cạnh xây dựng hình ảnh, vì đội tuyển là đại diện cho cả dân tộc. Miễn là các cầu thủ có gốc gác Việt Nam, có ông bà, nội ngoại hay bố mẹ là người Việt, họ có thể lên đội tuyển quốc gia”.

Và giờ đây, bóng đá Việt Nam, với những bước tiến đáng kể, đặc biệt là kỳ tích đoạt ngôi Á quân châu lục của ĐT U.23, Olympic vào Top 4 Asiad có hiệu ứng, sức lan tỏa phi thường, phát huy nội lực và tinh thần dân tộc cao độ, việc “nói không” với ngoại binh nhập tịch đã vô cùng rõ ràng.

Giá trị của những Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng, Văn Thanh đã vượt ra khỏi vấn đề trình độ hay đóng góp chuyên môn. Đó là câu chuyện của nội lực và tinh thần dân tộc không thể đo đếm hay so sánh một cách đơn giản.

Tuy không có quan điểm hay tuyên bố chính thức nào mà ai cũng hiểu rằng Thể thao Việt Nam không khuyến khích, nếu không muốn nói còn đang “nói không” với ngoại binh nhập tịch. Minh chứng rõ nhất trước đó ở ĐTQG bóng đá nam, ngoại binh nhập tịch từng “vào” rất đông, rồi không thấy ai còn được gọi nữa. Thực tế trên thế giới chuyện sử dụng hay không sử dụng nguồn ngoại binh nhập tịch phụ thuộc vào từng nước, từng nền thể thao. Chỉ có điều ngành thể thao bằng cách này hay cách khác cần có định hướng, thống nhất rõ ràng chứ không nên theo kiều nửa vời như thời gian qua.

Nhị Hường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/bong-da-viet-nam-noi-khong-voi-ngoai-binh-nhap-tich-tai-aff-cup-131917.html