Bộ trưởng lý giải việc doanh nghiệp không mặn mà Quỹ Phát triển KHCN

Trước những câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thanh Đạt đưa ra những giải pháp để tạo sự bứt phá trong ngành khoa học công nghệ.

Sáng 7/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể, chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, khoa học và công nghệ.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thanh Đạt trả lời những câu hỏi xoay quanh việc thu hút nhân tài, sự phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.

Trích lại câu nói của Thủ tướng nhấn mạnh "Khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng", Bộ trưởng Đạt mong các cấp chính quyền tin tưởng hơn nữa vào đội ngũ các nhà khoa học, đồng thời giao nhiệm vụ và tạo cơ chế, chính sách để họ phát huy năng lực.

Đến năm 2025 mới giải quyết được tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế

Tại phiên chất vấn, đại biểu Ngọc Quý (Gia Lai) đặt vấn đề tồn đọng trong việc xử lý đơn đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa... Điều này khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bức xúc, thậm chí gây tranh chấp thương mại.

Trả lời vấn đề, Bộ trưởng KH&CN thông tin tính đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 21.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.

Bộ trưởng Đạt lý giải sự chậm trễ do khả năng xử lý của đơn vị trực thuộc Bộ còn nhiều hạn chế, trong khi số lượng đơn ngày càng tăng. Việc đầu tư cho lĩnh vực này còn chậm, chưa đẩy mạnh được việc tuyển dụng nhân lực xử lý đơn.

Theo Bộ trưởng KH&CN, có hai giải pháp để giải quyết là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; điều chỉnh quy trình nhận đơn, xét chọn, phân cấp cho địa phương để chia sẻ khối lượng công việc. Đồng thời, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân lực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đạt cũng nhìn nhận phải ít nhất đến năm 2025 hoặc năm 2026, đơn vị mới có thể khắc phục được vấn đề tồn đọng đơn đăng ký sáng chế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thanh Đạt trả lời chất vấn sáng 7/6. Ảnh: Quốc hội.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đạt thừa nhận trách nhiệm trong sự chậm trễ thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng cho biết dự kiến cuối tháng 6 làm việc với Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng về việc hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị này sẽ trực thuộc Bộ KH&CN, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.

Đại biểu Văn Thi (Bắc Giang) đặt vấn đề về việc vải Bắc Giang khi muốn xuất khẩu phải vào chiếu xạ ở TP.HCM, dẫn đến tăng chi phí.

Bộ trưởng Đạt giải thích do phía Mỹ đưa ra các yêu cầu về chiếu xạ nghiêm ngặt, đồng thời cử cả chuyên gia sang để giám sát. Bộ KH&CN đã đàm phán thành công với phía Mỹ và thời gian tới chiếu xạ quả vải ở phía bắc. Dự kiến đến cuối năm, vải Bắc Giang sẽ chính thức được chiếu xạ theo quy trình và xuất khẩu sang Mỹ.

Trăn trở việc nghiên cứu khoa học công nghệ

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về công tác đầu tư nghiên cứu khoa học, đồng thời tính hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách.

Theo Bộ trưởng Đạt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí ngân sách dành 0,64% GDP cho ngành KHCN. "Trong hoạt động KHCN, bản chất nghiên cứu là đi tìm cái mới, nên có thể thành công nhanh hay muộn. Do đó, rất khó xác định bao nhiêu đề tài đã được đưa vào ứng dụng", ông Đạt nhấn mạnh, đồng thời cho biết đã có 9 trường đại học ở Việt Nam được xếp hạng trong bản đồ thế giới, đây là sự khích lệ cho ngành khoa học.

Hiện, Nhà nước đã tạo cơ chế chính sách khuyến khích ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao từ viện, nhà trường ra xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách cần được tháo gỡ như Nghị định 70.

Để bứt phá trong ngành KHCN, Bộ trưởng Đạt cho biết quan trọng nhất là đầu tư nghiên cứu KHCN đổi mới sáng tạo. Ông cũng khẳng định sự tin tưởng với đội ngũ khoa học trong nước, nếu được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện thích hợp, sẽ phát huy được năng lực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Chính phủ cần ưu tiên thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Quốc hội.

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ giải ngân rất chậm, không thu hút được các doanh nghiệp tham gia, trong đó hoàn toàn không có bất cứ doanh nghiệp FDI.

Trả lời vấn đề, Bộ trưởng Đạt cho biết Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ trong doanh nghiệp được quyền trích kinh phí riêng, trong đó các doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc trích 3-10%.

Trong giai đoạn 2015-2021, có hơn 1.200 doanh nghiệp trích quỹ với gần 24.000 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng số doanh nghiệp cả nước, tỷ lệ giải ngân đạt 60%. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khả năng trích quỹ còn khó khăn.

Theo Bộ trưởng Đạt, dù các bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn, vẫn tồn tại các vướng mắc trong quy định khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà trong việc trích lập quỹ, kể cả các doanh nghiệp FDI.

Ông Đạt cho biết sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp trích lập quỹ và sử dụng hiệu quả nguồn này; đặc biệt cho phép doanh nghiệp được trích tiền để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.

Vân Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-truong-ly-giai-viec-doanh-nghiep-khong-man-ma-quy-phat-trien-khcn-post1437832.html