'Bó tay' với ki-ốt án ngữ hè phố

Nhiều lần ra văn bản, hàng chục cuộc họp được tổ chức, song gần 5 năm qua, chính quyền các cấp vẫn không thể giải tỏa, cưỡng chế nổi một chiếc ki-ốt vẻn vẹn chưa đầy 8m2 dựng trên đất công cộng. Chuyện kỳ lạ đã và đang xảy ra tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), nơi lâu nay vẫn mệnh danh là rất quyết liệt về công tác quản lý xây dựng và đảm bảo trật tự đô thị.

Nhiều lần ra văn bản, hàng chục cuộc họp được tổ chức, song gần 5 năm qua, chính quyền các cấp vẫn không thể giải tỏa, cưỡng chế nổi một chiếc ki-ốt vẻn vẹn chưa đầy 8m2 dựng trên đất công cộng. Chuyện kỳ lạ đã và đang xảy ra tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), nơi lâu nay vẫn mệnh danh là rất quyết liệt về công tác quản lý xây dựng và đảm bảo trật tự đô thị.

Ki-ốt trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo suốt 5 năm chính quyền quyết liệt yêu cầu di dời nhưng... không thành.

“Phép vua” thua... chây ì?

Theo ghi nhận của chúng tôi, ki-ốt nói trên là của bà Ngô Thị Hai dựng lên để kinh doanh buôn bán hàng lưu niệm. Diện tích ki-ốt 3x2,5m, án ngữ trên phần vỉa hè gần giao lộ Lê Lợi - Trần Hưng Đạo (trước đây là đường Phan Đình Phùng, thuộc P. Minh An, TP Hội An). Chủ tịch UBND P. Minh An Lê Quang Trung thừa nhận, việc tồn tại ki-ốt này nhiều năm trông rất nhếch nhác, phản cảm, cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến TTATGT, mỹ quan đô thị, nhất là việc khu vực này là cửa ngõ phố cổ Hội An, có rất đông khách du lịch trong và ngoài nước lui tới. Trong khi đó, người dân trong khu vực cũng ý kiến nhiều, nhưng hiện vẫn chưa thể xử lý. Ông Trung cho hay, nếu TP Hội An có chỉ đạo quyết liệt, phường sẽ tiến hành cưỡng chế ngay theo quy định!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 đến 2018, chính quyền địa phương đã tổ chức hàng chục cuộc họp, ban hành hàng loạt văn bản thống nhất chủ trương giải tỏa ki-ốt của bà Hai. Cùng với đó, UBND TP Hội An còn quyết định bố trí cho bà Hai một quầy hàng để kinh doanh tại chợ Hội An, nhưng bà Hai nhất quyết không nhận quầy hàng và không chịu di dời ki-ốt. Một trong những dẫn chứng cụ thể là ngày 31-12-2016, UBND TP Hội An có công văn gia hạn thời gian di dời ki-ốt nói trên cho bà Hai đến tháng 7-2017 để bà có thời gian chuẩn bị, thu xếp cho việc di dời. Thực hiện Công văn, ngày 20-7-2016, UBND P. Minh An đã mời bà Hai lên làm việc, yêu cầu bà phải di dời ki-ốt trong vòng 3 ngày và nhận lô kinh doanh tại chợ Hội An. UBND P. Minh An thông báo: “Nếu không chấp hành, địa phương sẽ tiến hành tổ chức cưỡng chế di dời và đề nghị UBND TP thu hồi lại lô dự kiến bố trí kinh doanh tại chợ Hội An”. Tuy nhiên, một lần nữa, bà Hai không đồng ý.

Do không cưỡng chế thành công, ngày 16-8-2017, UBND TP Hội An giao cho Phòng TN-MT nghiên cứu, tham mưu về trình tự, thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định, làm cơ sở để lập phương án di dời giải tỏa, bồi thường thiệt hại đối với ki-ốt của bà Hai theo chính sách, đồng thời đảm bảo cơ sở thực hiện các biện pháp cưỡng chế nếu công dân cố tình không chấp hành. Đúng vào thời gian này, bà Hai đã có đơn xin thêm 3 năm nữa mới di dời ki-ốt để ổn định cuộc sống. UBND P. Minh An có văn bản trả lời việc này không thuộc thẩm quyền và yêu cầu bà Hai chấp hành chủ trương của UBND TP là tự di dời và nhận mặt bằng kinh doanh tại chợ Hội An theo quy định của TP, song bà Hai tiếp tục chây ì dẫn đến chiếc ki-ốt vẫn tồn tại một cách khó hiểu. Tiếp đến, ngày 21-5-2018, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An đã ký quyết định thu hồi khoảng 10m2 đất do gia đình bà Hai lấn chiếm vỉa hè, tuy nhiên mọi chuyện vẫn như cũ...

Những ngày này, bà Hai vẫn đang cải tạo lại ki ốt kiên cố hơn bất chấp yêu cầu của chính quyền.

Không lẽ “bất lực”!

Do ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của địa phương, người dân đã phản ánh rất nhiều, song cách giải quyết của chính quyền các cấp vẫn thiếu nhất quán trong xử lý. Ngoài ra, ki-ốt của bà Hai còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân khác, đơn cử như nhà số 2/2 Lê Lợi do bà Trương Thị Kim Xuân sở hữu. Bà Xuân cho biết, đã nhiều lần khiếu nại bởi ngôi nhà của mình nằm ở vị trí hai mặt tiền, nhưng hơn 2/3 chiều dài mặt tiền phía đường Trần Hưng Đạo bị che chắn bởi ki-ốt của bà Hai và một tủ bán bánh mì khác, ảnh hưởng đến lợi thế kinh doanh của lô đất nhà bà.

Theo bà Xuân, cuối năm 2018 bà được cấp phép cải tạo nhà, tuy nhiên bà Xuân không thể mở cửa sổ nhà ở mặt đường Trần Hưng Đạo theo thiết kế do vướng ki-ốt của bà Hai. Cũng vì vướng ki-ốt, một phần tường của ngôi nhà không thể tô trát được. Bức xúc, bà Xuân lại có đơn khiếu nại lên chính quyền, nhưng chính quyền địa phương vẫn lúng túng. Có một điều đáng nói là, cuối tháng 6-2019 (tức vài ngày trước khi về hưu), ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Hội An lại ký một thông báo với nội dung “Bà Ngô Thị Hai được UBND TP quan tâm tạo điều kiện cho thuê mặt bằng để kinh doanh tại góc ngã tư Trần Hưng Đạo và Lê Lợi”. Rõ ràng, nội dung thông báo đi ngược với chủ trương buộc giải tỏa ki-ốt trước đó. Trong nội dung thông báo, Chủ tịch UBND TP Hội An yêu cầu bà Ngô Thị Hai tạm thời tháo dỡ ki-ốt để tạo điều kiện cho bà Trương Thị Kim Xuân thực hiện thi công hoàn thiện ngôi nhà 2/2 Lê Lợi, cụ thể chậm nhất đến ngày 8-7-2019. “Nếu bà Hai không thực hiện nội dung trên, giao UBND P. Minh An chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND TP có biện pháp xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật”, thông báo thể hiện.

Đến ngày 16-7-2019, UBND P. Minh An đã yêu cầu bà Hai di dời tạm ki-ốt như chủ trương của UBND TP, hạn chót là ngày 19-7, nhưng như mọi lần, bà Hai vẫn để ki-ốt án ngữ nguyên vị trí. Bà Xuân bức xúc nói: “Gia đình tôi rất thất vọng. Trong khi chính quyền yêu cầu bà bà Hai di dời để chúng tôi sửa nhà, nhưng không làm được. Trong khi đó, khôi hài hơn là các ngày 21, 22 và 23-7, bà Hai cho rất nhiều người mang sắt thép, xi măng đến xây dựng ki-ốt kiên cố hơn, không xem pháp luật ra gì”.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, ki-ốt của bà Hai đã tồn tại trên 20 năm nên “hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”. “Mấy lần mình muốn giải tỏa rồi, nhưng bà ấy cứ kêu khóc miết. Đề nghị bố trí quầy hàng ở chợ Hội An hay chợ đêm, bà Hai đều không chịu vì không có tiền đóng góp theo quy định”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, hiện TP Hội An đã thống nhất chủ trương chỉ giải tỏa tạm thời cho bà Xuân hoàn thiện nhà rồi làm lại theo hướng thẩm mỹ hơn, chứ không giải tỏa hẳn vì có xét đến hoàn cảnh bà Hai rất khó khăn, phải nuôi cháu... Đến thời điểm này, TP Hội An cũng không còn đặt ra thời hạn buộc ki-ốt này phải di dời nữa(!?).

Theo chúng tôi, trong vụ việc này, chính quyền địa phương đã không làm hết trách nhiệm, nhất là khi đã ra rất nhiều văn bản, quyết định yêu cầu di dời và sẽ cưỡng chế, nhưng không xử lý quyết liệt. Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, nếu gia đình bà Hai thật sự khó khăn thì có không ít cách để chính quyền hỗ trợ giúp gia đình bà Hai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Còn việc thực thi kỷ cương pháp luật là việc chính quyền phải làm kiên quyết để trả lại sự công bằng cho người dân và tạo cảnh quan đô thị cho một Di sản Văn hóa thế giới. Nếu vụ việc này chính quyền “bất lực”, vô tình sẽ tạo tiền lệ cho nhiều trường hợp khác, gây bức xúc cho dư luận.

Công Hạnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_209847_-bo-tay-voi-ki-ot-an-ngu-he-pho.aspx