Bộ GTVT báo cáo về Nghị định 86 sửa đổi

Bộ GTVT vừa có báo cáo kết quả rà soát, hoàn chỉnh, thống nhất nội dung dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo kết luận số 204/TB-VPCP.

Bộ GTVT báo cáo về Nghị định 86 sửa đổi - Ảnh Internet

Sau 8 lần chỉnh sửa dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Dự thảo lần này đã nhận được đa số đồng thuận.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, bộ này đã tiếp thu và điều chỉnh bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 23 của dự thảo Nghị định: “8. Kết nối dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với Bộ Công an, Bộ Tài chính để phối hợp quản lý theo thẩm quyền”.

Đối với các nội dung: “Chuyển các quy định về xử lý vi phạm (thu hồi phù hiệu xe, giấy phép kinh doanh vận tải) sang thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu, thực hiện rà soát từng hành vi và bỏ nội dung quy định tại Điều 20, Điều 24 của dự thảo Nghị định để chuyển sang thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo kết quả rà soát thì hầu hết các nội dung xử lý vi phạm đã được cập nhật bổ sung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình rà soát và đối chiếu quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số 15/2012/QH13 ngày 20.6.2012 của Quốc hội) và Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường thì còn có một số nội dung chưa đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, các nội dung này phải có thời gian tổng hợp, phân tích số liệu, phải thực hiện theo dõi thường xuyên liên tục của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu, biển hiệu (hiện là Sở GTVT thực hiện) nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng tính răn đe đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều vi phạm hoặc có nhiều phương tiện bị lực lượng chức năng trên đường xử phạt vi phạm hành chính.

Vì vậy, còn có một số nội dung chưa phù hợp nếu bổ sung chế tài xử phạt vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ.

Do vậy, còn một số nội dung quy định của Điều 20, Điều 24 của dự thảo Nghị định (đã gửi kèm Công văn số 3427/BGTVT-VT ngày 12/4/2019) được điều chỉnh, bổ sung nội dung sang quy định tại: khoản 6, khoản 7 Điều 19; khoản 9, khoản 10 Điều 20, khoản 8, khoản 10, khoản 11 Điều 22 của dự thảo Nghị định cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như nêu trên, phù hợp với thực tiễn và không tạo thành khoảng trống trong công tác quản lý đối với hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã tổ chức buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và đã bổ sung các quy định liên quan đến đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải. Nội dung chi tiết đã được bổ sung quy định vào dự thảo Nghị định tại: khoản 19 Điều 3, khoản 3 Điều 27 và Điều 35 của dự thảo Nghị định.

Về nội dung gắn cố định hộp đèn trên nóc xe, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện đánh giá và nghiên cứu kỹ quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe và đã được thể hiện cụ thể tại Công văn số 3427/BGTVT-VT ngày 12.4.2019 gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo kết luận số 93/TB-VPCP (trình lần 8).

Việc bổ sung nội dung này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi.

Đồng thời, phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm dẫn đến ùn tắc giao thông) và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Quy định này, tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP.HCM, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở GTVT; đặc biệt đối với nội dung quy định này cũng đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hiện nay cũng đã có một số nước như Thái Lan, Singapore, ở Washington (Mỹ), xe ứng dụng công nghệ gắn hộp đèn trên nóc xe.

Hơn nữa, đối với quy định này, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TP.HCM đồng thuận với việc quy định để tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là một Nghị định có sự ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, người dân và sự hội nhập tiến bộ khoa học theo xu thế phát triển tất yếu của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh thực tiễn có nhiều thay đổi như việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để điều hành phương tiện, đặt xe, đặt vé, thanh toán bằng điện tử thông qua môi trường số… Vì vậy quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cần được sửa đổi bổ sung và sớm ban hành nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình vận tải này.

Nam Phong

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/bo-gtvt-bao-cao-ve-nghi-dinh-86-sua-doi-115817.html