Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú ý việc giảm tải trong chương trình mới
Chương trình GDPT mới cấp Tiểu học lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học trong khi so với Chương trình 2006 lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học.
Đoàn Đại biểu Quốc hộ tỉnh Bạc Liêu thắc mắc hiện nay vấn đề cải cách sách giáo khoa lớp 1 có hơn 20 đầu sách gây khó khăn cho học sinh cũng như phụ huynh và giáo viên và đề nghị có giải pháp gì để giảm bớt lượng sách giáo khoa cho học sinh.
Trước vấn đề đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời, cụ thể: Thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình GDPT mới), khi xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải trong chương trình để tăng tính trải nghiệm thực hành.
Việc giảm tải nội dung, tăng thời gian hoạt động cho học sinh là mong muốn của phụ huynh (ảnh nguồn internet).
Về môn học đã giảm, chương trình GDPT mới cấp Tiểu học lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học, so với Chương trình 2006: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Về số giờ học, chương trình GDPT mới ở cấp Tiểu học, học sinh học 2.838 giờ, so với Chương trình 2006 ở cấp Tiểu học học sinh học 2.353 giờ.
Trong khi chương trình GDPT mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học, có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn. Chương trình 2006 là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa của 9 môn học có ở lớp 1. Số lượng các đầu sách SGK là 9 đầu sách/bộ/9 môn học (không phải là 20 đầu sách như phản ánh).
Tất cả các sách giáo khoa (SGK) được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.
Theo quy định, SGK được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn xuất bản, phát hành các sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc).
Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc xuất bản, phát hành sách tham khảo do các nhà xuất bản thực hiện theo Luật Xuất bản và phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng.
Các sách tham khảo được bán ở các hiệu sách (như các loại xuất bản phẩm khác) và được quản lý bởi các cơ quan chức năng (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an,…).
Các nhà trường lựa chọn sách tham khảo mua cho thư viện trường để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (Thông tư 21).
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đang từng bước khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (tách biệt với dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên).
Việc này sẽ hạn chế việc giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá khiến học sinh phải mua sách tham khảo; đồng thời, cũng góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm sai quy định.