Bỏ công việc kỹ sư, đôi bạn 9X đầu tư tiền tỷ đưa đặc sản quê ra thế giới

Từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng từng miệt mài theo đuổi, đôi bạn 9X đã quyết vay mượn tiền tỷ khởi nghiệp trên chính quê hương mình, đưa đặc sản quê ra thế giới.

Nguyễn Bá Thắng ngồi cùng tôi trước hiên căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn, trồng đầy hoa nơi vùng quê nghèo xã Nhân Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Cạnh bên, tiếng dây chuyền sản xuất nhà máy bánh đa hòa lẫn tiếng những người công nhân cười đùa rộn rã. Hướng ánh mắt xa xăm về phía ngọn đồi bát ngát màu xanh Thắng bắt đầu kể về câu chuyện từ đặc sản quê.

Bỏ công việc kỹ sư, về quê bán bánh đa

Bánh đa vừng, thức quà quê đặc sản, dân dã của người dân huyện Đô Lương cả trăm năm nay nức tiếng xứ Nghệ. Nay bánh đa vừng thương hiệu Lương Sơn còn nức tiếng trong Nam ngoài Bắc và rẽ sóng vượt đại dương để đến với bè bạn 5 châu tại các siêu thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Có được điều đó không thể không nhắc đến công lớn của Nguyễn Bá Thắng và những người bạn đồng niên.

Bá Thắng kể lại, ngày nhận bằng tốt nghiệp Khoa Xây dựng Trường Đại học Vinh, cậu được đại diện một công ty xây dựng có tiếng tại Nghệ An mời chào đầu quân với mức lương mơ ước.

Sau khi ăn bữa cơm rặt mỗi nhút cà với gia đình, thanh niên trẻ vào Nam, ra Bắc lăn lộn tại các công trình xây dựng. Năm 2017, một chiều có mặt tại tỉnh Tây Ninh, Thắng bắt gặp hình ảnh bánh tráng phơi sương. Khoảnh khắc khiến hình bóng quê nhà ùa về trong anh thổn thức.

"Quê em Đô Lương có bánh đa vừng được kết hợp hài hòa bởi gạo ngon, tỏi, ớt, vừng… nức tiếng xa gần" - Thắng nhớ lại.

Đó cũng chính là dấu mốc đánh dấu ngã rẽ của cuộc đời Thắng khi trong đầu ong vừa lóe lên một kế hoạch khởi nghiệp mới không phải từ nghề xây dựng anh đã dày công học tập.

Để làm được điều đó Thắng rủ cậu bạn Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1991) là đồng niên, đồng hương rồi quyết bỏ việc khăn gói về quê.

Anh Nguyễn Bá Thắng cùng bạn bỏ công việc kỹ sư xây dựng về quê quyết đưa bánh đa thôn nghèo ra thế giới

Nghe ý tưởng của con bố Thắng giãy nảy, hét lên giận dữ. Mẹ cùng anh chị, họ hàng, kể cả cụ Trưởng tộc khi hay tin cũng ập đến một mực can ngăn.

Nhưng sau một thời gian kiên trì thuyết phục, trình bày ý tưởng, gia đình, họ hàng đành "nhường bước" dù trong lòng đầy hoài nghi và "gõ cửa" ngân hàng vay 700 triệu đồng cho 2 thanh niên thỏa ước mơ "đưa bánh đa thôn nghèo ra thế giới".

"Bánh đa vừng truyền thống chỉ phù hợp với thị trường thôn quê, bởi được làm thủ công. Muốn sản phẩm bay cao, vươn xa, ngoài duy trì bí quyết làm bánh ngon kiểu truyền thống, phải đầu tư máy móc theo tiêu chuẩn thị trường”, Thắng cho biết.

Vì thế tiền vay mượn được Thắng và Phương đầu tư phần lớn xây dựng nhà xưởng, máy xay bột, máy tráng bánh, máy nướng, máy đóng gói chân không… Mẻ bánh đa Lương Sơn đầu tiên ra lò, Phương và Thắng đã khóc vì hạnh phúc.

Đưa đặc sản quê xuất ngoại

"Hương vị quê nhà của các món ăn tuổi thơ là điều mà những người con xứ Nghệ xa quê luôn đau đáu nhớ về. Vì thế khát vọng của chúng tôi là muốn bánh đa Đô Lương có mặt tại những ngóc ngách trên toàn thế giới" - Phương thổ lộ.

Quá trình vận hành, hai chàng trai trẻ nhận thấy nếu sản xuất theo lối truyền thống, bánh phải phơi ngoài trời, hoàn toàn phụ thuộc vào nắng mưa không hẹn trước. Trong khi mùa mưa xứ Nghệ kéo dài hàng tháng, nếu không phơi được bánh thì công sức coi như đi tong.

Sau khi phân tích tình hình, Thắng và Phương quyết vay ngân hàng thêm 4 tỷ đồng rồi thuê khu đất tại xã Nhân Sơn hòng mở rộng quy mô sản xuất, tạo nên hệ thống sản xuất bánh khép kín từ khâu ngâm gạo, xay bột, tráng bánh đến sấy khô, đóng gói. Trên cơ sở bí quyết riêng, hai thanh niên 9X mày mò, thử nghiệm để cho ra lò những chiếc bánh vừa giữ được nét truyền thống nhưng vẫn phảng phất hương vị hiện đại.

Với cách làm đó, thương hiệu bánh đa Lương Sơn chỉ một thời gian ngắn ngủi tung ra thị trường đã được người tiêu dùng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Dương, TPHCM... hào hứng đón nhận, xuất hiện tại các gian hàng siêu thị trải khắp Bắc Nam. Năm 2020, bánh đa Lương Sơn được công nhận đạt chuẩn OCOP "3 sao" cấp tỉnh. Hơn 50 lao động địa phương đã được tạo cơ hội việc làm ngay trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Bánh đa truyền thống Lương Sơn giờ đã có mặt tại các siêu thị ở nhiều nước trên thế giới

Rồi như một cơ duyên, nhiều người lao động ở nước ngoài mỗi lần về quê khi trở lại đều chọn mua bánh đa Lương Sơn như thứ đặc sản quê hương mang sang làm quà.

"Phản hồi từ lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài cho thấy, những người Nhật Bản sở tại cực thích ăn bánh đa Lương Sơn" - Thắng nhớ về thời khắc nảy sinh ý tưởng đưa sản phẩm đến với thị trường khó tính như Nhật Bản.

Nắm bắt điều đó anh lại ngược xuôi tìm đơn vị xuất khẩu để dần đưa sản phẩm bánh đa Lương Sơn đến Nhật Bản. Ý tưởng lớn thành công, năm 2022, 1 triệu chiếc bánh đa Lương Sơn đầu tiên trị giá 2,2 tỷ đồng đã có mặt tại đất nước "mặt trời mọc" và có mặt trong các hệ thống siêu thị hoành tráng nơi này.

“Thời điểm hiện tại, bánh đa truyền thống Lương Sơn đã có mặt tại các thị trường như Nhật Bản, Australia, Lào, Hàn Quốc, tới đây sẽ là loạt quốc gia tại châu Âu. Bánh đa gạo lứt, bánh đa nem, bún khô,… cũng đã được tung ra thị trường, tất cả đều mang hương vị đồng quê Việt Nam” - Thắng vui vẻ cho biết.

Chỉ sau vài năm kiên trì với cách làm sáng tạo và táo bạo, đến nay Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Ngọc Phương đã trở thành những ông chủ thực sự. Tuy nhiên 2 chàng trai trẻ vẫn giữ nét giản dị từ cách ăn mặc đến nụ cười hiền, lối nói chuyện chân chất.

"Em sinh ra từ làng nên giữ trọn hồn quê dân giã, nghĩa tình như những chiếc bánh đa Lương Sơn vậy" - Thắng nói và cười lớn hào sảng, giòn tan.

Quang Minh - Anh Tuấn

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bo-cong-viec-ky-su-doi-ban-9x-dau-tu-tien-ty-dua-dac-san-que-ra-the-gioi-d190848.html