Bình yên phố phường
Cũng giống như mọi lực lượng lao động sản xuất và chiến đấu trong toàn xã hội, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, lực lượng Công an Thủ đô không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, họ đã làm được một điều lớn lao tưởng chừng như rất đơn giản - đó là giữ vững an ninh trật tự phố phường.
1. Còn nhớ những năm vào khoảng 1969 -1974, Hà Nội nổi lên tệ nạn ăn cắp vặt, móc túi ở những nơi đông người. Đến mức dân gian nói vui rằng “ở Hà Nội một mét vuông có đến bốn thằng ăn cắp”. Đó là những năm tháng chiến tranh, người Hà Nội tản mác đi sơ tán từ các vùng nông thôn trở về thành phố sau khi Mỹ ngừng ném bom. Cuộc sống bộn bề gian khó. Chế độ bao cấp đã bắt đầu bộc lộ những thiếu hụt. Đời sống dân phố gần như chạm đáy. Các cửa hàng lương thực thực phẩm luôn xếp hàng dài dằng dặc mà hầu như một phần ba chỗ xếp hàng ấy phải về tay không. Thế là sinh ra nạn chen lấn xô đẩy. Và đó cũng chính là môi trường thuận lợi cho những kẻ móc túi.
Trẻ con từ các nơi sơ tán về Hà Nội học hành ở các vùng ven nội. Không có trường học nào được mở trong phố. Tàu điện 6 tuyến của thành phố là phương tiện chính đưa chúng đến trường. Những toa tàu dồn nén đầy chặt vào những giờ tan tầm. Công nhân, thợ thủ công, buôn bán lẻ, nông dân ở các vùng ngoại thành quang gánh vào phố bán những sản vật do mình làm ra là mục tiêu cho đám trộm cắp nhòm ngó.
Tất nhiên ta không loại trừ yếu tố “Bần cùng sinh đạo tặc” như ngạn ngữ cổ xưa từng phán xét. Nhưng lực lượng Công an Thủ đô lúc ấy còn quá mỏng. Họ mới chỉ chú tâm vào được những vụ án lớn đại loại như chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa ở những cơ quan, nhà máy, xí nghiệp lớn. Phần còn lại là nhức nhối sinh hoạt phố phường phần lớn vẫn do người dân tự điều chỉnh. Thỉnh thoảng ngoài phố lại thấy ré lên những tiếng kêu “ăn cắp… ăn cắp” cùng bước chân chạy ào ạt của rất nhiều người đuổi theo trên đường. Kẻ cắp khi bị phát hiện ngoài đường rất khó lòng tẩu thoát. Chúng cũng không có phương tiện gì hơn người dân thường ngoài động cơ là đôi chân “chạy bằng cơm”. Và một “động cơ” làm sao địch lại cả đám đông cũng có “động cơ” như mình.
Kẻ bị bắt thường là no đòn trước khi được người dân đưa đến đồn công an. Nhưng rất lạ là ngày ấy luật pháp nghiêm ngặt hơn bây giờ rất nhiều mà sao trộm cắp vẫn hoành hành khắp phố. Ăn cắp một chiếc xe đạp thôi là án tù ngồi lên đến 8 năm. Hết án, anh trộm nào có quê hương bản quán trước khi đến Hà Nội lập tức được trả về địa phương. Tôi có anh bạn học lớp 7 nhà ở phố Dã Tượng ăn trộm chiếc xe đạp trên phố Hàm Long bị đi tù 8 năm. Tù ra anh ấy được trả về quê ở Phủ Lý. Có lẽ vì quá buồn, anh lại tiếp tục gây án. Với anh, nếu không được ở Hà Nội nữa thì đi tù còn sướng hơn…
2. Hà Nội hôm nay có thể nói là một thành phố có an ninh, trật tự vào bậc nhất cả nước. Rất hiếm hoi mới có một vụ cướp giật trên đường. Ăn cắp dạng móc túi thì hình như đã lâu lắm không còn nữa kể cả ở chợ Đồng Xuân. Lực lượng Công an Thủ đô đã có những sách lược đối phó với loại tội phạm này từ trong trứng nước. Các tổ công tác 141 tuần tra suốt ngày đêm bền bỉ trên đường. Chỉ một dấu hiệu khả nghi từ tội phạm thôi là cũng đủ để các anh phát hiện bắt giữ ngay khi chúng chưa kịp gây án. Biết bao nhiêu chiến sĩ Công an ngày đêm mật phục theo sát đám tội phạm ma túy khiến chúng bị bắt giữ toàn bộ đường dây. Chiến công này nhiều khi đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Một thành phố được xây dựng mới rất khang trang hiện đại nhưng không phải đã hoàn thiện được đúng theo chuẩn mực. Vấn đề phòng cháy, chữa cháy vài năm nay nổi lên như một vấn nạn của sự phát triển. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy của Thủ đô là nơi có trách nhiệm rất lớn lao trong việc này. Các anh đã hết lòng phục vụ không quản ngại hy sinh gian khổ. Đã có nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh mạng sống để cứu những đồng bào của mình trong cơn cuồng bạo của giặc lửa. Đó thực sự là những anh hùng thời bình. Dân thành phố ghi nhớ công ơn của các anh mãi mãi.
Không chỉ mưu trí dũng cảm trên mặt trận có tính chất bề nổi, nhiều sĩ quan Công an còn có những linh cảm đặc biệt về tội phạm. Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín vừa rồi đã có một chiến công làm nức lòng dân phố. Anh chỉ nghe một cuộc điện thoại từ người bạn báo hủy cuộc liên hoan buổi tối vì gia đình có việc cháu bé đi nhà trẻ tư nhân bị tử vong. Bằng sự nhạy bén chống tội phạm của mình, anh đã điều động các sĩ quan hình sự ngay trong đêm vào cuộc điều tra. Và kết quả là hai cô giáo ác mẫu của nhà trẻ tư nhân này đã phải nhận tội là kẻ giết người.
3. Công an Thủ đô trong thời đại công nghệ thông tin cũng đã có những cố gắng vượt bậc theo kịp và vượt được công nghệ của tội phạm dạng này. Ta biết rằng vài năm gần đây thì mạng Internet đã thực sự là một chiến trường đầy gian lao khốc liệt không kém gì ngoài đời thực. Sự mất mát và những hậu quả mà tội phạm loại này gây ra nhiều khi còn khốc liệt hơn cả tội phạm ma túy. Muôn vàn kiểu lừa đảo trên mạng đã được đưa ra ánh sáng. Hàng chục loại cờ bạc trá hình trên mạng cũng được bóc gỡ. Lực lượng Công an điều tra tội phạm công nghệ cao của Hà Nội luôn đưa ra được những cảnh báo kịp thời về thủ đoạn của loại tội phạm này. Tránh cho dân phố được rất nhiều tổn thất. Hệ thống dữ liệu của Cảnh sát quản lý hành chính đã dần được hoàn thiện. Dân phố bây giờ đã có thể làm được Căn cước công dân ở ngay địa phương mình tạm trú. Mọi dữ liệu công dân đã được quản lý đồng bộ toàn thành phố, thậm chí trong cả nước.
Giữ vững được trật tự an ninh phố phường còn phải kể đến công cuộc đấu tranh nội bộ ngành cũng vô cùng quyết liệt. Đã không có ai được phép vi phạm pháp luật kể cả cán bộ trong ngành ở cấp tá, cấp tướng. Họ đã bị chính lực lượng công an khởi tố điều tra. Và tòa đã kết án những sâu mọt này trong thời gian rất ngắn.
Bình yên cho cuộc sống dân phố được giữ vững là điều giản dị mà bất kỳ ai ở Hà Nội đều cảm nhận được.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/binh-yen-pho-phuong-post533201.antd