Bình yên 'cò về núi Ngọc'

Nằm giáp biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, núi Đá Dựng - quả núi nằm trọn vẹn trên địa phận nước ta, nhưng khi vượt qua đỉnh Châu Nham trùng trùng đá xám xuống chân núi ở sườn phía Tây, ấy là lúc bạn đã đặt chân lên lãnh thổ của nước láng giềng. Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại mang dấu ấn thuở cha ông khai mở đất phương Nam, Đá Dựng cùng với 'Hà Tiên thập cảnh' là nơi ghi dấu nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tiên xưa.

Dưới chân núi Đá Dựng.

Nhìn từ xa, ngọn núi này có hình thang cân, độ cao gần 100m, nằm giữa những cánh đồng xanh thắm của cư dân hai nước. Theo các nhà địa chất học và khảo cổ học thì rất có thể trước đây, Đá Dựng vốn là một vùng đầm trũng, là nơi sinh tồn của các loại thủy cầm như le le, vịt nước hoặc các loại chim di cư từ phía Nam lên hay từ nước bạn sang...

Trải qua ngàn năm kiến tạo địa hình, vùng đầm xưa đã vượt lên và trở thành một quần thể núi đá vôi với hệ thống hàng chục hang động lớn nhỏ ẩn sâu trong lòng núi. Các hang động này ăn thông với nhau và tạo nên một tuyến đường thông suốt từ chân núi tới đỉnh núi dài trên 3.149m. Năm 2004, ngọn núi này chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia.

Với vai trò là một hướng dẫn viên “bất đắc dĩ", Đại úy Danh Kim Houl và Thượng sỹ Nguyễn Văn Thọ, BĐBP Kiên Giang đã đưa chúng tôi đi thăm khu danh thắng. Được biết, núi Đá Dựng có tên cổ là núi Bạch Tháp, được sử gia triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức chép trong "Gia Định Thành Thông Chí" ở mục Sơn Xuyên Chí (nghĩa là chép về núi sông), rằng: "Núi Bạch Tháp ở phía Bắc núi Vân Sơn năm dặm, sông núi quanh co, cỏ cây rậm rạp. Nhà sư Quy Nhơn là Hòa thượng Hoàng Long Đại vân du, cắm gậy ở đây. Năm Đinh Tỵ (1737), Túc Tông Hiếu Minh Hoàng đế thứ 13, Hòa thượng tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để cất xá lợi. Hàng năm cứ đến ngày Tam Nguyên và Phật đản, chim hạc đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi như tham thiền nghe kệ, có thể gọi là cảnh chùa tiêu sái".

Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ XVII, thấy người dân thường nhặt được ngọc quý tại Đá Dựng và trong lòng núi có thạch nhũ tinh quang lấp lánh như kim cương, tỏa muôn hồng nghìn tía như châu ngọc nên ông gọi là núi Châu Nham, nghĩa là "núi Ngọc". Dân gian còn truyền lại rằng, thuở đất Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân Phù Nam đã từng tập trung ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng.

Cảm khái trước một vùng non nước thanh bình, thịnh trị, Mạc Thiên Tích - con trai Mạc Cửu, người sáng lập ra Tao Đàn Chiêu Anh Các đã làm mười bài thơ ngâm vịnh miêu tả mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa gồm có: Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng - núi Pháo Đài), Bình San điệp thúy (núi một màu xanh - núi Bình San), Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch - chùa Tam Bảo), Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành - lũy Giang Thành), Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây - núi Thạch Động), Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham - núi Đá Dựng), Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ - đầm Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh: Bãi Ớt); Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai), Lư Khê ngư bạc (Rạch Vượt). Bài vịnh núi Đá Dựng có nhan đề Châu Nham lạc lộ miêu tả cảnh đàn cò trắng bay về núi Ngọc để trú ẩn, nghỉ ngơi. Chỉ bốn chữ "Châu Nham lạc lộ" mà quán xuyến hết nhẽ về một cảnh đẹp thanh bình hiếm thấy, gợi lên bức tranh yên ả về một vùng biên cương xa ngái: "Bóng ngọc mây đâm phủ núi non/Bay la bay lả trắng hoàng hôn/ Góc trời thế trận dăng cây cỏ/ Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn".

Đi qua hai tuyến hang động chính mới thấy Đá Dựng như một tòa lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng ngàn gác chuông thiên tạo mang những cái tên lưu truyền qua nhiều thế hệ như hang Mẹ Sanh, hang Biệt Động, hang Chỉ Huy, hang Thác Bạc, hang Cổng Trời, hang Bồng Lai... Dân gian còn kể, hang Cội Đa Già chính là nơi sinh sống xưa kia của Thạch Sanh. Từ vòm hang này, chàng đã giương cung bắn trọng thương chim đại bàng khi chim đang cắp công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng.

Một trong những chiến công mà người dân Hà Tiên luôn ghi nhớ là cũng tại các lòng hang rộng lớn này, Đảng bộ và quân dân Hà Tiên đã dùng nơi đây làm căn cứ cách mạng trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 5-1970, trước sự bố ráp điên cuồng của ngụy quyền Sài Gòn, các chiến sỹ của ta chưa đến 100 người đã cố thủ trong lòng hang, chiến đấu với địch trong suốt 27 ngày ròng rã để giữ vững căn cứ, buộc địch phải rút lui. 21 người đã hy sinh, nhiều người mang trong mình thương tật..., nhưng Đá Dựng đã đi vào lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và quân dân Hà Tiên như một truyền thống hào hùng.

Mang trong mình bao huyền tích về một thời mở cõi và bảo vệ, giữ gìn Tổ quốc, đỉnh Châu Nham vẫn ngày ngày vẫy gọi từng đàn chim về xây tổ. Những trảng lúa gối nhau dần chuyển từ xanh sang vàng nhẹ, rồi ửng đậm từ triền Đông sang triền Tây. Trên những cánh đồng ấy, những người dân của hai đất nước vẫn miệt mài gặt lúa chiêm chín sớm.

Chao liệng trên ngọn sóng vàng ấy, cò trắng đang về. Từng đàn, từng đàn...

Ngân Phạm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/binh-yen-co-ve-nui-ngoc/