'Bình thường mới' ở nông thôn

Tại nhiều địa bàn nông thôn, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, địa phương nới lỏng giãn cách, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân vẫn nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân thu hoạch cam. Ảnh: Dương Đức Kiên

Luôn sẵn sàng phương án

Ông Võ Minh Nhật- Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, địa phương luôn chỉ đạo thực hiện những giải pháp căn cơ trong phòng, chống dịch, như tiếp tục tuyên truyền vận động người dân thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Tại xã Thành Long, hai vấn đề được quan tâm nhất trong công tác phòng, chống dịch là quản lý người từ địa phương khác trở về và kiểm soát tốt tuyến biên giới (dài 12km), tránh tình trạng người nhập cảnh trái phép, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch.

Qua thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ý thức người dân được nâng lên. Các hoạt động buôn bán, sản xuất trên địa bàn đã trở lại bình thường, nhưng địa phương vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.

Trên địa bàn xã có 2 chợ đang hoạt động, các biện pháp phòng, chống dịch vẫn duy trì; các doanh nghiệp, xưởng sản xuất trên địa bàn được hoạt động lại nếu bảo đảm điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”. Toàn xã, theo thống kê có khoảng 10.000 người trong độ tuổi tiêm vaccine, hiện có gần 2.000 người thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên đã được tiêm ngừa.

Ông Đặng Huy Thời- Trưởng ấp Thành Trung cho biết, ấp có 403 hộ dân, có 2 người từ ngoài tỉnh về đang cách ly y tế tại nhà. “Khi thực hiện giãn cách, người dân có tâm lý bức bối; nhưng được vận động, tuyên truyền, người dân hiểu, dần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, cảnh giác với người lạ đến địa phương”- ông Thời nói.

Tại ấp, có 114 hộ buôn bán nhỏ lẻ và 4 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp hoạt động bình thường, sử dụng lao động tại địa phương. Người lao động tự do trên địa bàn được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ấp còn tuyên truyền và hỗ trợ người dân đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19; có 57 người tuổi trên 65 đã được tiêm vaccine.

Vừa trở lại buôn bán được khoảng 1 tuần, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ấp Thành Trung) cho biết, việc buôn bán khá chậm, chỉ bằng 30% so với trước đây. Thời điểm dịch bùng phát, chị tạm dừng buôn bán, gia đình không có nguồn thu nhập nào nên cuộc sống khá chật vật. Chị nói: “Tôi đã được tiêm hai mũi vaccine, cũng an tâm phần nào khi buôn bán trở lại”.

Ông Đặng Huy Thời- Trưởng ấp Thành Trung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trong cộng đồng.

Thời gian qua, gia đình chị Thủy dần thích ứng với cuộc sống mới. Chị thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Chị nói: “Trước, nhiều người còn chưa hiểu, nhưng nay ai cũng thông cảm, vì bảo đảm an toàn cho tất cả mà. Tình hình hiện tại thoải mái hơn lúc thực hiện giãn cách, nhưng quan trọng là mình vẫn chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch, không được xem nhẹ”.

Theo ông Võ Minh Nhật- Chủ tịch UBND xã Thành Long: “Hiện hoạt động của người dân trở về bình thường, nhưng chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phương án để đối phó với những tình huống xảy ra, không lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh”.

Giảm gánh nặng địa phương

Tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, mọi hoạt động đang trở lại bình thường. Anh Phạm Thành Lễ- Trưởng ấp Gò Đá cho biết, ấp có 600 hộ dân, là ấp duy nhất của xã thuộc vùng cam khi có 2 ca nhiễm. Tuy nhiên, đã qua hai tuần, ấp không có phát sinh ca nhiễm mới, đời sống người dân dần trở lại bình thường.

Theo anh Lễ: “Các biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch vẫn được duy trì, người dân chú trọng thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc, không tụ tập như trước đây”. Trưởng ấp sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân 24/24 giờ. “Cuộc sống, việc làm của người dân dần ổn định. Chúng tôi không còn phải hỗ trợ cho người dân như trước, trừ những gia đình có người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn”.

Chị Phạm Thị Diễm An, người dân ấp Gò Đá chia sẻ niềm vui khi được trở lại với nhiều hoạt động bình thường. Theo chị Diễm An, thời gian qua, khi thực hiện giãn cách xã hội, chị và gia đình có nhiều thay đổi tích cực hơn như biết chăm sóc tốt sức khỏe, bồi dưỡng tình cảm gia đình, xóm làng; sống tiết kiệm và có trách nhiệm hơn.

Dù vẫn còn lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhưng theo chị Diễm An, mỗi người sống có trách nhiệm, quan tâm phòng, chống dịch sẽ giảm được gánh nặng cho địa phương, bảo vệ tốt cho bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Thái Súng- Chủ tịch UBND xã Mỏ Công cho biết, địa bàn xã hiện còn một ấp vùng cam là Gò Đá. Qua hai đợt xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, ấp Gò Đá không phát hiện ca nhiễm mới, khả năng sẽ sớm về “vùng xanh”.

Làm thủ tục cho người dân tiêm vaccine tại xã Mỏ Công ngày 14.10

Khi trở về “bình thường mới”, công tác xét nghiệm sàng lọc được thực hiện định kỳ, đặc biệt chú trọng các đối tượng có nguy cơ cao như tài xế, người làm dịch vụ, đầu công lao động nông nghiệp.

Theo ông Thái Súng: “Dù “bình thường mới” nhưng vẫn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này vẫn luôn được địa phương tuyên truyền để người dân hiểu”. Trên địa bàn xã, các hoạt động kinh doanh đã trở lại nhưng phải bảo đảm thực hiện 5K.

Xã thường xuyên cho lực lượng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định này, cần thiết sẽ yêu cầu viết cam kết, xử phạt nếu vi phạm. Các hoạt động đi lại, mua bán tại chợ được tự do nhưng phải thực hiện 5K. Bên cạnh đó, địa phương kiểm soát chặt chẽ người từ tỉnh khác trở về.

Theo ông Thái Súng, các biện pháp phòng, chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu, tùy tình hình thực tế địa phương mà áp dụng cho phù hợp, nhất là tại các vùng có dịch. Tại xã Mỏ Công, theo kế hoạch, đến hết đợt tiêm chủng này (ngày 18.10), xã sẽ đạt tỷ lệ tiêm là 50%.

Đến nay, xã Mỏ Công có 36 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, gần 60 ca nhiễm tại các khu cách ly. Gần 2 tuần qua, tại xã không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/binh-thuong-moi-o-nong-thon-a138253.html