Biết giúp thế nào?

Bác Đỗ Thanh Xuân phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang gửi đơn đến Báo Quân đội nhân dân trình bày: “Ngày 27-5-1969, trong chiến dịch Mỹ ném bom B-52 vào đơn vị, Chi ủy họp xong, tôi lấy sinh mạng chính trị ra và cứu sống được gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ tân binh C và thương bệnh binh của đơn vị thoát chết.

46 năm nay tôi là người có công nhưng vẫn không được khen thưởng. Nếu khen khi tôi đã về với tổ tiên rồi cũng chẳng có nghĩa lý gì?”.

Không biết bác Xuân đã cứu sống gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bằng cách nào? Công lao này có được đồng đội chứng kiến hay văn bản nào ghi nhận? Từ tháng 5-1969 đến nay là 48 năm có lẻ, chứ không phải là 46 năm như bác ghi trong đơn. Hơn nữa, nội dung đơn của bác viết chỉ vài dòng sơ sài như trên, nếu ngành chức năng muốn đề nghị cấp trên xem xét cũng không đủ cơ sở.

Hay, đơn của bác Ngô Xuân Lạc ở thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh viết: “Tôi có hơn 6 năm trong quân ngũ, từ tháng 12-1969 đến tháng 7-1975, nay còn mang trong người mảnh đạn từ thời chiến tranh. Cán bộ địa phương nói phải chứng minh nguồn gốc thì mới đề nghị cấp tiền sửa chữa nhà ở. Thực sự thế hệ trẻ địa phương quá là quan liêu”.

Nhận được đơn của bác, tòa soạn cũng hơi băn khoăn. Bởi, Thông tư liên tịch "Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh" không còn giấy tờ (Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP) ngày 22-10-2013 quy định căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương thì người đó phải chứng minh mình có quá trình tham gia cách mạng (lý lịch quân nhân, quyết định phục viên, xuất ngũ…) và bị thương trong chiến đấu. Ở trường hợp của bác Ngô Xuân Lạc, nếu còn mảnh đạn trong cơ thể thì cần có kết quả chiếu, chụp; kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể rồi mang kết quả chiếu chụp và bản khai đến nộp tại Hội đồng chính sách xã nơi bác cư trú trước khi nhập ngũ để xem xét, đề nghị. Trong khi bác chưa được công nhận là thương binh, nếu “thế hệ trẻ ở địa phương” lại áp dụng chính sách như thương binh đối với bác, thì mới là sai quy định.

Còn anh Lê Xuân Bình ở ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có đơn đề nghị công nhận cho chú mình là liệt sĩ chống Pháp. Thế nhưng, anh không biết năm sinh, lý do chết, phần mộ, đơn vị của chú mình. Ở địa phương không ai biết gì về chú anh. Còn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng không có hồ sơ, thông tin về chú anh. Như vậy, các cơ quan chức năng biết dựa vào cơ sở, căn cứ nào để công nhận liệt sĩ cho chú của anh?

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/biet-giup-the-nao-517084