Biết cách báo hiếu – Món quà vô giá tặng mẹ

Hôm nay là Ngày của Mẹ (9/5). Có phải bạn đang nghĩ về việc lựa chọn một món quà thực sự ý nghĩa để dành cho mẹ của mình. Nhân dịp này, chuyên gia tâm lý có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý Bùi Thu Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giáo dục chia sẻ về một món quà đặc biệt bạn có thể dành cho mẹ của mình.

Hôm nay là Ngày của Mẹ (9/5). Có phải bạn đang nghĩ về việc lựa chọn một món quà thực sự ý nghĩa để dành cho mẹ của mình. Đó có thể là một chuyến du lịch mà bạn biết mẹ đã mong ước từ lâu, đó có thể là những hộp quà với quần áo và giày dép, hay có thể đơn giản là về sớm và nấu cho mẹ một bữa cơm – điều mà có thể rất lâu rồi bạn chưa có thời gian thực hiện. Tất cả những điều đó thật đáng trân quý và chắc chắn mẹ của bạn sẽ rất vui.

Nhân dịp này, chuyên gia tâm lý có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý Bùi Thu Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giáo dục chia sẻ về một món quà đặc biệt bạn có thể dành cho mẹ của mình.

Sự hiếu thảo chính là món quà lớn nhất mà con cái dành cho bố mẹ của mình. Và theo lẽ thông thường, để làm tròn chữ hiếu, các con thường chăm sóc bố mẹ bằng việc mua quà, mua thuốc bổ, xây nhà … tức là tạo các điều kiện vật chất tốt nhất trong khả năng của mình cho bố mẹ. Đây đã là những điều vô cùng tuyệt vời mà các con dành để báo hiếu cho cha mẹ của mình. Tuy nhiên, là một chuyên gia tư vấn tâm lý nhiều năm, tôi phát hiện ra rằng đó mới chỉ là những hành động hiếu nghĩa bên ngoài mà ai cũng có thể nhìn thấy. Còn điều ẩn giấu bên trong sâu sắc hơn mà tôi muốn nhắc đến dưới đây nghe có vẻ trừu tượng, khó hiểu với nhiều người, nhưng thực ra lại là những điều cực kỳ đơn giản. Đó là những việc làm, lời nói, suy nghĩ, hành động dành cho bố mẹ của mình chỉ có một mình bạn biết mà thôi.

Đầu tiên đó chính là lòng biết ơn. Nếu như ở bề ngoài, bạn nói lời cảm ơn, biết ơn mẹ mỗi khi mẹ làm điều gì đó cho mình, thì ở tầng sâu sắc bạn phải tập thói quen biết ơn bằng việc hiểu rằng cơ thể này, sự sống này, dòng máu này, từng tế bào trong cơ thể này… đều được tách ra từ mẹ. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ biết trân trọng sự sống này mẹ ban cho mình. Và từ đó, dù có điều gì xảy ra bạn cũng không làm tổn thương cơ thể cũng như tâm hồn của mình. Nếu bạn đã là một người mẹ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi con mình vẫn tặng quà cho mình đều đặn, lo vật chất cho mình đầy đủ nhưng con mấy lần định tự tử vì công việc bế tắc, vì yêu đương không thành, vì hôn nhân đổ vỡ hoặc lao vào quá đà những thứ khiến sức khỏe ngày càng tồi tệ như chìm đắm trong rượu, thuốc lá, sex, vắt kiệt sức cho công việc...?

Bạn sẽ cảm thấy như nào khi chứng kiến con mình thường xuyên buồn bã, mất ngủ, cáu gắt, lo âu, căng thẳng và bất hạnh...? Bạn đau lắm đúng không? Thế thì mẹ bạn cũng thế nếu bạn không giữ gìn tài sản vô giá của mẹ chính là sự sống của bạn. Vì thế, điều đầu tiên bạn hãy thể hiện lòng biết ơn với người cho bạn mọi thứ trong cuộc đời này bằng cách giữ gìn sức khỏe và nỗ lực "diệt trừ" mọi phiền muộn đến với mình để sống một cuộc đời an vui. Còn món quà nào lớn hơn cho mẹ bằng một người con tràn đầy sức sống và hạnh phúc!

Điều thứ hai đó chính là bạn hãy tha thứ cho mẹ của mình. Hơn 10 năm trị liệu, tôi gặp không biết bao nhiêu những người con thổ lộ với tôi rằng con không thể yêu mẹ của mình. Vì rất nhiều lý do khác nhau, với những tổn thương sâu sắc mẹ đã vô tình hay cố ý tạo nên trong tâm hồn những người con ấy. Nếu có lòng biết ơn, bạn sẽ hiểu rằng, mẹ vốn cũng chỉ là một con người, cũng có những nỗi đau, những tổn thương riêng mà mẹ không thể tự chữa lành được, không biết san sẻ cùng ai.

Ngày trước, có một cô bé nhắn tin cho tôi với lời như "Con không thể yêu được bà ta cô ạ! Bà ta luôn áp đặt con phải luôn đứng đầu lớp trong học tập. Chỉ cần một chút không hài lòng là bà ta trút giận lên con". Nhưng sau khi tôi đặt một vài câu hỏi và tìm hiểu thì biết được rằng ngày còn bé, bà ngoại của cô bé cũng áp đặt lên con của mình y như vậy; và nếu không được thì cũng đánh mắng y chang. Mặc dù trong suy nghĩ mẹ của cô bé nghĩ rằng sau này mình sẽ không đối xử với con mình như vậy; nhưng người mẹ không hề biết rằng chính những tổn thương trong quá khứ, chính sự tự ti rằng mình không thể làm vừa lòng những mong muốn của mẹ mình khiến cho mẹ cô bé đã vô tình gây áp lực và làm tổn thương chính các con của mình. Khi tôi phân tích cho cô bé hiểu những tổn thương sâu xa trong lòng người mẹ, viết cho mẹ 1 bức thư để dưới gối. "Con không biết mẹ con có đọc không, nhưng từ hôm đó con thấy mẹ thay đổi hoàn toàn thái độ đối với hai chị em con", cô bé đó đã chia sẻ với tôi như vậy.

Khi đã có lòng biết ơn, thấu hiểu được mẹ của mình thì việc tha thứ cho mẹ của mình chính là tha thứ cho chính bản thân mình và chấm dứt mối quan hệ mà cả hai người đều bị tổn thương.

Nếu có điều gì đó bạn còn trách móc, giận hờn, hận mẹ của mình mà không tha thứ được thì vô tình bạn đã chuyển giao toàn bộ mô thức giận hờn, trách móc và hận mẹ của mình cho con của mình. Như câu chuyện tôi kể trên là một ví dụ.

Thực ra, tôi biết, quá trình tha thứ cho mẹ của mình cũng không phải đơn giản. Cứ không phải nói muốn tha thứ là tha thứ được. Vì thế, tôi có thể bày cho bạn một cách đơn giản mà tôi đã chỉ cho rất nhiều người và có hiệu quả. Mỗi ngày, bạn dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng, nhắm mắt lại, tưởng tượng hình ảnh của mẹ và thầm nói trong đầu của mình với mẹ rằng: Mẹ ơi, con đã hiểu do mẹ có những tổn thương không ai giúp mẹ chữa lành và mẹ không tự chữa lành được nên mẹ vô tình cũng gây tổn thương cho con. Con xin được đồng cảm với nỗi đau của mẹ. Con tha thứ cho mẹ hoàn toàn và mãi mãi. Con yêu mẹ. Con biết ơn mẹ cho con sự sống này để con được làm một con người, được học tập và được hiểu biết hơn. Không có mẹ làm sao con có sự sống này, con không có được những điều tuyệt vời như ngày hôm nay. Lặp lại như vậy nhiều lần, rồi bạn sẽ cảm nhận được là sự hận thù, hờn trách của bạn với mẹ sẽ dần mất đi lúc nào không hay. Khi đó chỉ còn lại sự yêu thương, đồng cảm một cách thực sự.

Còn nếu như bạn nào mạnh mẽ thì có thể nói với mẹ trực tiếp. Tôi tin rằng, đây sẽ là giây phút thay đổi số phận mối quan hệ không chỉ có hai mẹ con bạn mà của vô lượng thế hệ kế tiếp trong gia đình bạn.

Chuyên gia Tâm lý Bùi Thu Hiền- Viện trưởng viện khoa học công nghệ giáo dục

Chuyên gia Tâm lý Bùi Thu Hiền- Viện trưởng viện khoa học công nghệ giáo dục

Điều thứ ba tôi muốn nói đến ở đây chính là mỗi khi làm được một việc tuyệt vời ví dụ như giúp đỡ người khác, làm từ thiện, đạt được thành tựu trong sự nghiệp, những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình... bạn hãy tự nhủ trong tâm mình rằng: Mẹ ơi, tất cả những điều này con làm tặng mẹ, con mong cho mẹ luôn được mạnh khỏe và bình an…

Ai cũng biết rằng, bạn bè có thể thay đổi, thậm chí vợ chồng có thể thay đổi nhưng không ai thay thế được mẹ trong cuộc đời bạn. Vì vậy, dù mẹ còn hay đã khuất xa, bạn vẫn có thể báo hiếu cho mẹ của mình bằng những cách mà tôi chia sẻ. Điều đó không chỉ giúp cuộc sống của bạn mà mối quan hệ giữa bạn và các con của mình cũng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Chuyên gia Tâm lý Bùi Thu Hiền

Viện trưởng viện khoa học công nghệ giáo dục

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/biet-cach-bao-hieu-mon-qua-vo-gia-tang-me-20210509172253582.htm