Biết bơi không có nghĩa là không bị đuối nước

Biết bơi không có nghĩa là không bị đuối nước. Nếu chúng ta chủ quan và thiếu các kỹ năng cơ bản thì biết bơi cũng vẫn có thể bị đuối nước. Đó là lý do Trường Tiểu học Giang Biên phối hợp với Ban Chấp hành Đoàn phường Giang Biên (quận Long Biên) tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước miễn phí cho học sinh trên địa bàn phường.

Vì một Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước

Nhằm hướng tới mục tiêu "Vì một Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước”, Trường Tiểu học Giang Biên vừa phối hợp với Ban Chấp hành Đoàn phường Giang Biên (quận Long Biên) và Trung tâm E-Bơi Hà Nội tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước và khai giảng lớp học “Bơi tự cứu” miễn phí cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên thực hành các kỹ năng trong bể bơi mini tại trường

Hoạt động trên hưởng ứng Lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước” năm 2019 trên phạm vi toàn quốc, nhằm giảm thiểu tối đa số người bị đuối nước do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát động và hưởng ứng kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động hè năm 2019”.

Nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của lớp học, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên dẫn chứng: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm tại Việt Nam có tới hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do hầu hết trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ

Chia sẻ thêm về phương pháp “bơi tự cứu”, TS Phạm Anh Tuấn cho biết: Bơi tự cứu - đơn giản là biện pháp chống chìm. Trong cuộc chiến đấu chống lại Hà Bá, người bơi chỉ cần nhô được đầu lên, chứ không phải là phải di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác.

Để làm được điều đó, người bơi chỉ cần một cái quạt tay, có lực đẩy và những kỹ năng rất đơn giản, không mất sức và cũng không tốn tiền.

Với phường Giang Biên, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền cho biết, phường có vị trí giáp với sông Đuống, trước đây đã từng có không ít vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra, trong đó phần lớn đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đuối nước đau lòng là do chủ yếu các em không có kỹ năng phòng chống đuối nước để thoát hiểm trước những nguy hiểm do môi trường nước luôn rình rập.

“Vì vậy, việc trang bị cho học sinh những kiến thức phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước luôn được nhà trường và địa phương quan tâm, thường xuyên tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức: Giáo dục lồng ghép qua các tiết học; trong các giờ học thể dục và hoạt động ngoại khóa...”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên cho biết.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Đoàn phường Giang Biên và giáo viên Trường Tiểu học Giang Biên, hàng ngày học sinh được tập luyện các kỹ năng "bơi tự cứu"

Theo cô Huyền, do nhà trường chưa có bể bơi chuyên dụng và chưa có đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên để dạy bơi cho học sinh, nên phương pháp chủ yếu là tuyên truyền giáo dục học sinh một số biện pháp để tự phòng tránh tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh tham gia các lớp học bơi do các cơ sở được cấp phép dạy bơi cho học sinh.

Chia sẻ thêm về mục đích tổ chức các lớp học, Phó Bí thư Đoàn phường Giang Biên Đào Văn Tuấn kỳ vọng: Thông qua chương trình, không chỉ các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh sẽ có cơ hội tiếp cận, hiểu hơn về sự nguy hiểm của đuối nước và các biện pháp phòng chống, kỹ năng để thoát khỏi trường hợp nguy hiểm.

Cần thiết đưa vào chương trình giảng dạy

Là đơn vị phối hợp đào tạo kỹ năng cho học sinh, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm E - Bơi Hà Nội cho biết: “Biết bơi không có nghĩa là không bị đuối nước. Nếu chúng ta chủ quan và thiếu các kỹ năng cơ bản thì biết bơi cũng vẫn có thể bị đuối nước. Hàng năm, vào dịp đầu hè có rất nhiều trường hợp bị đuối nước thương tâm, trong đó có cả những người biết bơi, thậm chí là bơi giỏi”.

Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên tham dự khóa học

Vì vậy, theo TS Phạm Anh Tuấn, việc giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng những hành động cụ thể, thiết thực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp cho chúng ta biết cách phòng chống và bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại chương trình, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm E - Bơi Hà Nội - chuyên gia dạy phòng chống đuối nước, bơi tự cứu và kỹ năng sống cho trẻ em - đã trực tiếp truyền đạt và hướng dẫn các kỹ năng như: Tập thở trong chậu nước, tập lặn trong thùng, bơi trong bể mini…; các động tác, kỹ thuật của kiểu bơi tự cứu "Dịch cân kinh". Giáo viên, phụ huỵnh và đặc biệt là các em học sinh đã được tham gia những bài tập thực hành đơn giản, nhằm đẩy lùi nạn đuối nước.

“Mong nhà trường, gia đình và xã hội hãy quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước và dạy “bơi tự cứu” cho trẻ một cách thiết thực, để không còn cảnh những học sinh bị đuối nước thương tâm.

Tai nạn sông nước muôn hình vạn trạng mà sức người có hạn. Những cái chết oan uổng và nghiệt ngã này cũng một phần do lỗi của người lớn chúng ta... Các em cần được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, để biết mà tránh khỏi sự nguy hiểm”, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền bày tỏ.

Triển khai chương trình ý nghĩa trên, trong dịp hè, lãnh đạo Trường Tiểu học Giang Biên đã phân công 2 giáo viên trực/1 buổi, cùng với Đoàn Thanh niên phường hướng dẫn học sinh thực hành tại bể bơi mini ở trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên cho biết: Theo kế hoạch, trong năm học, trường sẽ đưa vào giảng dạy lồng ghép qua các tiết học thể dục, hoạt động ngoại khóa...

Chị Trần Thị Thu Hiền (tổ 3 phường Giang Biên) hiện có con theo học tại Trường Tiểu học Giang Biên tâm sự: Ở nhà, thỉnh thoảng gia đình vẫn cho con ra bể bơi. Tôi cũng vẫn nhắc nhở con, không ra chơi những chỗ ao sâu, khi không may ngã xuống nước phải nín thở, hít sâu, bơi xoải tay để ngoi lên mặt nước kêu cứu.

“Tuy nhiên, với những kiến thức, kỹ năng “bơi tự cứu” như các thầy, cô hướng dẫn thực sự rất bổ ích, không chỉ các con mà phụ huynh học sinh cũng học được rất nhiều điều, về sẽ hướng dẫn lại cho các con”, chị Hiền tâm sự.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/biet-boi-khong-co-nghia-la-khong-bi-duoi-nuoc-93173.html