Biến ý tưởng thành hiện thực
Với vai trò là cầu nối, đồng hành cùng thanh niên trên bước đường khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp để biến những ý tưởng khởi thành hiện thực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng mà các bạn trẻ đang ấp ủ lại là điều không dễ dàng.
Từ ý tưởng sản xuất viên nén từ rơm (một loại chất đốt), anh Nguyễn Huy Hưng, ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình) đã xây dựng một dự án cụ thể tham gia Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Thái Nguyên năm 2019 do Tỉnh đoàn tổ chức. Kết quả, dự án “Viên nén từ rơm” của anh đã thuyết xuất sắc giành giải Nhất. Ý tưởng này không chỉ thuyết phục được các thành viên Ban Giám khảo mà còn khiến một số doanh nghiệp mong muốn được hợp tác, hỗ trợ để cùng thực hiện Dự án.
Sau hơn 2 năm, dự án của anh đã thành công và liên kết được với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện, anh đã mở rộng 4 cơ sở sản xuất viên nén ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Bắc Giang. Đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất (theo hình thức đối ứng 50/50) cho hàng chục đơn vị ở các tỉnh: Phú Thọ, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương…
Trung bình mỗi năm, ông chủ trẻ này thu lãi trên 800 triệu đồng. Nói về bước ngoặt trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng, anh Hưng cho hay: Từ cuộc thi đã giúp nhiều doanh nghiệp biết đến dự án của tôi và chủ động tìm đến để hợp tác hỗ trợ về vốn, nhà xưởng, máy móc… Đặc biệt, Đoàn các cấp đã kết nối, quảng bá, giới thiệu đến nhiều đơn vị giúp tôi chủ động đầu ra của sản phẩm.
Cũng từ một cuộc thi sáng tạo tương tự, công trình “Biến rác thải hữu cơ thành vàng” của nhóm sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên (lọt vào Top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội 2018”) đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Công trình tìm ra phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác thải hữu cơ, điều này không chỉ giúp giảm thiểu đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường, mà sản phẩm được tạo ra sau quá trình phân hủy rác thải còn là nguồn dinh dưỡng có giá trị trong nông nghiệp. Đến nay, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… hợp tác đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải tại các khu dân cư.
Những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp kể trên là ví dụ điển hình nhận được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp để biến thành hiện thực. Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, như: Tổ chức các cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên; diễn đàn khởi nghiệp, kết nối các doanh nghiệp; tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên qua các buổi tập huấn, sinh hoạt chi đoàn ở cơ sở để đoàn viên, thanh niên nắm được chủ trương, định hướng khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay…
Từ các chương trình, hoạt động thiết thực của Đoàn, nhiều ý tưởng, sáng kiến của thanh niên đã ra đời. Theo đánh giá, hầu hết các ý tưởng, dự án đã thể hiện được tinh thần của khởi nghiệp, sự đổi mới sáng tạo trong cách thức triển khai ý tưởng, dự án, xây dựng được các phương án kế hoạch kinh doanh, thể hiện được trách nhiệm đối với sự phát triển cộng đồng và xã hội…
Tuy nhiên trên thực tế, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên dành được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp không nhiều, mặc dù số lượng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên là không ít (theo thống kê năm 2020, tuổi trẻ toàn tỉnh đã đóng góp gần 6.000 ý tưởng, sáng kiến vào Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam, trong đó có khoảng 20% là các ý tưởng khởi nghiệp).
Bên cạnh đó, phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều tồn tại trong công tác tìm kiếm, giới thiệu các mô hình, dự án, ý tưởng của các đơn vị còn chưa sâu sát, dẫn đến các dự án khởi nghiệp chưa đa dạng; thanh niên khi khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn, pháp lý, kiến thức thị trường…
Anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết sẻ: Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của thanh niên ngày càng lan tỏa sâu rộng, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối giữa doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc thi “Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp”, đưa vào giới thiệu các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả trong các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để thanh niên khác học tập.
Đặc biệt, để nuôi dưỡng, khuyến khích thanh niên có những ý tưởng hay, các cấp bộ Đoàn chú trọng thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các địa phương, trường học, góp phần tạo môi trường cho các bạn trẻ sớm tiếp thu chính sách, thủ tục hành chính, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp của những doanh nghiệp thành công…
Box: Anh Đào Đào Xuân Thiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh cho rằng: Các doanh nghiệp rất mong muốn hợp tác, đồng hành với những bạn trẻ sở hữu ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo và khả thi cao. Tuy nhiên, số lượng các ý tưởng thực sự có chất lượng, mang tính đột phá, có thể áp dụng vào thực tế lại hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngần ngại khi quyết định đầu tư, hỗ trợ.