Biển ở trong lòng

Buổi sáng hôm nay thức dậy ở quê trong lòng thấy thật lạ, dẫu tôi đã có gần hai mươi năm sống và lớn lên ở quê. Có phải là mình xa quê đã quá lâu rồi không? Đang bần thần nhìn trời, nhìn đất thì nhỏ em chạy từ đâu tới cười xuề xòa: 'Ủa, anh Hai, anh đang nghĩ ngợi gì mà mặt ngây ra thế?'. Tháng mười hai trời bắt đầu lạnh thật rồi.

Vệ sinh cá nhân xong, trở lại giường đã thấy quần áo ấm, tất và khăn mẹ đã chuẩn bị sẵn từ lúc nào. Hệt như cách mẹ chăm sóc từ ngày còn bé xíu. Lạnh quá! Hơi nước từ biển ùa về càng khiến không khí vốn dĩ đã lạnh giờ còn lạnh hơn. Nhà cạnh biển mùa hè thì mát, mùa đông thì lạnh.

Trong ký ức của tôi biển quê yên bình và rất đẹp. Sáng sớm vào những đợt không phải học tôi vẫn thường theo mẹ xuống bến đợi tàu đánh cá của bố và các bác trong làng cập bến. Có đợt thì một ngày, đợt khác là hai ngày, ba ngày thậm chí là cả tháng trời tùy theo con nước và thời tiết.

Hồi còn học trường làng, lũ bạn nói dân biển sướng, suốt ngày được ăn cá, mực, tôm tươi. Những đứa lớn lên từ biển có chút tự hào. Nhưng nào ngờ dân biển có bao nhiêu nỗi khổ mà đám trẻ nít chẳng thể hiểu được, chỉ thấy được cái trước mắt hiện hữu mà đánh giá. Không còn cách khác người xóm biển bám biển để mưu sinh.

Đàn ông, con trai khỏe mạnh dong thuyền buồm ra khơi đánh bắt thủy hải sản, đàn bà con gái thì ở nhà đan lưới, chờ đợi hải sản của chồng mang về rồi bán cho thương lái. Người yếu hơn về thể lực hoặc kinh tế không cho phép thì chọn cách bán buôn lại từ những tàu thuyền đi về rồi ngược lên vùng cao.

Đầu nhớ, chân bước. Choàng khăn tôi đi ra biển. Một vài người quê nhận ra không biết họ đùa hay cố ý, cười rất to bảo: “Dân thành phố, ra biển giờ này làm gì cho nhớp nháp tanh tao”. Thật lòng tôi chẳng muốn nghe câu nói ấy chút nào.

Tôi vẫn là người con của quê biển, dẫu mười năm, hai mươi năm hay cả phần đời còn lại sống ở phố tôi cũng không dám nhận mình là dân phố. Chẳng bao giờ tôi quên gốc gác của mình. Định bụng nói lại với họ một câu rằng mình vẫn là người quê biển, nhưng rồi bóng xe vút đi nhanh quá lại thôi.

Trước mắt tôi bến nhỏ lao xao tiếng nói cười, tiếng máy tàu thuyền xình xịch, tiếng xe máy từ xuôi đổ về lấy cá. Người dân biển bao năm vẫn thế. Làn da ngăm đen ngấm vị mặn mòi của biển.

Họ nói với nhau về cá, tôm, nói về chuyến đi biển và nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Nhìn kỹ, lúc này chẳng thấy một chút nào dối gian trong mắt của người quê biển. Phía bên phải tôi là bãi biển với cát mịn, sạch bong trải dài tít tắp.

Những trò chơi thời con nít thật đẹp. Tôi nhớ những chiều cùng lũ bạn chơi bóng, thả diều và nhảy lò cò. Lúc mệt cả lũ kéo nhau xuống úp mặt vào dòng nước mát vùng vẫy. Biển thanh bình, ôm ấp bao dung tất cả những đứa trẻ quê lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn thật thánh thiện.

Trong bữa ăn mẹ tôi nói chắc có lẽ năm sau thôi biển quê sẽ được quy hoạch, nâng cấp để thu hút khách du lịch. Tự dưng lòng buồn rười rượi. Thật lòng tôi không muốn biển quê mình được quy hoạch rồi nhà hàng, nhà nghỉ mọc lên san sát như một số vùng biển khác.

Mặc ai nói tôi ích kỷ đi chăng nữa. Tôi sợ rồi đây con người quê không phải là con người chân chất như xưa nữa. Rồi rác thải, tiếng ồn ảnh hưởng tới môi trường… Và còn ti tỉ điều khác nữa. Biển quê sẽ không còn thanh bình như trước nữa… Tôi không muốn nghĩ đến.

Biển ở trong lòng, tôi chỉ mong vẫn là biển của ngày xưa, bây giờ yên bình vốn có từ bao đời nay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/bien-o-trong-long-4053870-b.html