Bị ngạnh cá trê đâm vào tay, người phụ nữ bán cá nguy kịch
Sau một ngày bị ngạnh cá trê đâm vào mu bàn tay, người phụ nữ 57 tuổi (ở Hưng Yên) làm nghề bán cá xuất hiện sốt cao, phỏng nước vàng tại vùng tổn thương, nhiễm khuẩn huyết và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Sáng 30-3, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nữ bệnh nhân 57 tuổi (ở Hưng Yên) làm nghề bán cá được cơ sở y tế khác chuyển đến với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết-viêm mô bàn tay phải.
Nữ bệnh nhân này có tiền sử viêm khớp dạng thấp nhiều năm và thường xuyên sử dụng thuốc nam.
Trước vào viện 7 ngày, bệnh nhân bị ngạnh cá trê đâm vào mu bàn tay. Sau một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, phỏng nước vàng tại vùng tổn thương ở mu tay. Vết thương đau nhiều, lan nhanh chóng lên vùng cánh cẳng bàn tay phải.
Gia đình đã đưa bệnh nhân đến một cơ sở y tế và được chẩn đoán viêm mô bào tay phải. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết đường vào da và mô mềm theo dõi vibrio - theo dõi tiền sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân tuy chưa có kết quả cấy nhưng với bệnh cảnh lâm sàng phù hợp nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.
Vibrio vulnificus là một loài vi khuẩn gram âm, có khả năng di động, hình que cong. Vi khuẩn này hiện diện trong môi trường biển như cửa sông, ao nước lợ hoặc vùng ven biển.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ, hiện nay có khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh cho người, trong đó có khoảng 100 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm, cùng với đó gây ra khoảng 80.000 trường hợp bệnh, 52.000 trong số đó là do ăn hải sản bị ô nhiễm.
Theo CDC Hoa Kỳ, nhiều người bị nhiễm trùng vết thương do Vibrio vulnificus cần được chăm sóc đặc biệt hoặc cắt cụt chi và khoảng 20% tử vong.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như: Xơ gan, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp…, đặc biệt là các bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc thì nguy cơ làm cho tình trạng suy giảm miễn dịch nặng hơn.
Những bệnh nhân này rất dễ bị nhiễm trùng các chủng vi khuẩn từ nước vào. Khi nhiễm trùng trực khuẩn này sẽ gây hoại tử tổ chức nghiêm trọng, tiến triển đi vào sốc rất nhanh, đe dọa đến tính mạng.
Do đó, đối với những người suy giảm miễn dịch khi uống thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, quản lý bệnh nền tốt để phòng tránh tình trạng rối loạn miễn dịch, ức chế miễn dịch nặng hơn.
“Nếu có vết thương phải xử lý đúng cách. Thậm chí, những người làm nghề tiếp xúc với cá, chăm sóc động vật..., tiếp xúc với môi trường nước phải đeo găng tay dày để tránh xây xước, lây nhiễm vi khuẩn. Khi bị xây xước không nên chủ quan, phải sát khuẩn ngay. Khi có biểu hiện bệnh, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Trần Văn Bắc lưu ý.