Bí mật thanh bảo kiếm bạn Lào trao tặng tướng Huỳnh Đắc Hương

TĐO - Ở tuổi 100, tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn minh mẫn kể lại câu chuyện được bạn Lào trao tăng bảo kiếm - bảo vật quốc gia cách đây 45 năm.

Tướng Huỳnh Đắc Hương được Tổng Chỉ huy quân đội Lào Khamtay Siphandon tặng thanh bảo kiếm năm 1975. Trao kiếm tượng trưng tinh thần thượng võ Lào cho người bạn tin cậy Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trao tặng bảo kiểm

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Ðắc Hương - trên phố Lý Nam Ðế (Hà Nội). Ông Huỳnh Ðắc Hương năm 1975 mang quân hàm Thiếu tướng, Chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Hiện ông là Trưởng ban liên lạc toàn quốc quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Ở tuổi 100, ông vẫn đều đặn thói quen đọc báo hàng ngày. Ánh mắt quắc thước, tinh thần minh mẫn, ông kể cho chúng tôi nghe về thanh bảo kiếm của các bạn Lào đã trao cho Việt Nam cách đây 45 năm.

Một ngày cuối năm 1975, các bạn Lào tổ chức tiễn đoàn chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam về nước. Trong lễ trọng thể đó, họ tặng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam lá cờ ghi dòng chữ “Bạn chiến đấu cùng chiến hào”. Tổng chỉ huy quân đội Lào lúc đó là ông Khamtay Siphandon đã tặng thanh kiếm quý cho quân tình nguyện Việt Nam với lời nhắn nhủ: "Ðây là tượng trưng cho tinh thần thượng võ của nhân dân các bộ tộc Lào gửi gắm cho người bạn tin cậy Việt Nam".

Theo mô tả của ông Hương: Thanh bảo kiếm dài 1m, nặng 5kg, làm bằng chất liệu sắt. Lưỡi thanh bảo kiếm hắt lên ánh sáng trắng, rất sắc. Khi các bạn Lào trao cho ông Huỳnh Ðắc Hương thì thanh bảo kiếm được quấn trong một lớp vải. Ông Huỳnh Ðắc Hương giữ thanh bảo kiếm đến năm 1979 thì thanh bảo kiếm được trao cho Bảo tàng Quân đội. Hiện nay, ông Hương cũng không rõ là thanh bảo kiếm đã còn hay mất, vì thời bấy giờ công tác cất giữ, lưu trữ những tài liệu, quà tặng... không được tốt nên dễ thất lạc, mất mát.

Sang Lào nhận nhiệm vụ mở đường từ Sầm Nưa tới Attapeu trong đoàn công tác đặc biệt 40 người được cố Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo thành lập, đến dặn dò, giao nhiệm vụ trước lúc lên đường. 11 năm lăn lộn khắp các vùng đất bên nước bạn Lào, Ðại tá Ðặng Ngọc Huynh (Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ) đã có niềm vinh dự lớn. Năm đó, giữa rừng núi bạt ngàn của dải Trường Sơn hùng vĩ, ông đã bồng súng bảo vệ, chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Lào trao thanh bảo kiếm-biểu tượng tối cao của quyền lực Hoàng gia Lào cho Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương lúc đó là Tư lệnh mặt trận. 40 năm sau, tái ngộ trên Hà Giang, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương đã thân mật gọi ông là “Người canh bảo kiếm”.!

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương

Sẻ chia

Theo ông Hương: Thanh bảo kiếm là vật báu quốc gia. Tôi để ý, hình như đó là lần duy nhất bạn Lào tặng bảo kiếm cho bạn bè. Bảo kiếm tượng trưng cho tinh thần thượng võ của nhân dân các bộ tộc Lào. Khi nhận thanh bảo kiếm của bạn, nghĩ lại những năm tháng sát cánh, kề vai với bạn chiến đấu chống kẻ thù chung, tôi và đồng đội vô cùng tự hào đã thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân, Tổ quốc Việt Nam”... Chủ tịch Souphanouvong đã viết về tình anh em Lào-Việt, trong đó có câu: “Cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông/Rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm/Thơm hơn hương của đóa hoa thơm ngát…”. Còn đồng chí Khamtay Siphandon đã có lần nói với tôi: “May buồm co, pho huổm xược”, nghĩa là “Tre chung bụi, đay chung dây”.

Thanh bảo kiếm mà Quân đội Lào tặng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào là vật chứng về quan hệ đặc biệt giữa hai quân đội. Vật chứng cho lòng tin, sự biết ơn của quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào dành cho người bạn Việt Nam đặc biệt tin cậy, thủy chung của mình, đã từng tận tụy hy sinh hết lòng vì nhau.

Những ngày trên đất Lào, mỗi chiến sỹ quân tình nguyện khi có giặc thì chiến đấu, lúc yên bình thì giúp dân sửa nhà, gieo trồng... sống thì "Có hạt muối chia nửa, cọng rau chia đôi".

Sống chung với đồng bào các bộ tộc Lào, nhiều cán bộ cũng thực hiện "cà răng, căng tai" giống người dân địa phương. Thậm chí, chưa từng biết đến việc sinh đẻ thế nào, quân tình nguyện Việt Nam cũng "xông vào đỡ đẻ" cho đồng bào.

Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương nhớ lời một bà mẹ Lào: "Tao cứ tưởng tụi mày như lính phu-ma, tao không tin, tao còn giấu nhiều thứ lắm. Bây giờ, tao mới biết, tụi mày tốt. Thuế má, nhà tao không phải nộp. Bắt được con cheo, tao được tự do hưởng. Ốm, tụi mày tới chăm sóc. Tụi mày như con của tao vậy. Cách mạng có khác. Tao sẵn sàng giúp tụi mày".

Có những người cha Lào ngày đêm vót chông, đào hào đánh giặc, vượt qua bao nhiêu ngọn núi để báo tin giặc cho quân tình nguyện Việt Nam. Có những bà mẹ, em gái Lào đem từng típ xôi, con cá khô, điếu thuốc, đi hết cánh đồng này đến khu rừng kia tìm anh em Việt Nam trong những ngày giặc càn.

Có những nhà sư Lào ân cần chăm sóc thương binh, cất giấu anh em trong buồng riêng của mình những ngày giặc vây. Thậm chí, những người Lào được chuyển về Nghệ An tránh giặc đã trồng rau, gửi về cho mặt trận...

Ông Hương nhớ lại, những năm kháng chiến, khó khăn lắm, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam qua thăm chỉ huy bộ đội Lào, chẳng có gì làm quà. Mang theo ít muối, và dọc đường đi, thấy cây ổi, cây ớt có quả, hái vài quả làm quà biếu Tổng chỉ huy Khamtay Siphandon là những cán bộ Lào. Ðến nơi, các bạn Lào đã bày sẵn "một quả khế, một quả ổi, một quả ớt và một chút muối" để "đón tiếp" những người bạn Việt Nam...

Đời binh nghiệp của tướng Huỳnh Đức Hương

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, quê Hội An (Quảng Nam). Cuộc đời binh nghiệp của ông đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác. Ông từng đảm trách Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1958); Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967), Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971); Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1972 - 1975); trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ông được điều động làm Phó Chính ủy Quân khu 2, phụ trách địa bàn tác chiến gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái… với mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang rất ác liệt. Ngoài ra ông còn 2 lần giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (1975 - 1978 và 1984 - 1990). Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khamtay Siphandon, Kaysone Phomvihane - 2 lãnh tụ của cách mạng Lào.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, quê Hội An (Quảng Nam). Cuộc đời binh nghiệp của ông đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác. Ông từng đảm trách Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1958); Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967), Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971); Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1972 - 1975); trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ông được điều động làm Phó Chính ủy Quân khu 2, phụ trách địa bàn tác chiến gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái… với mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang rất ác liệt. Ngoài ra ông còn 2 lần giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (1975 - 1978 và 1984 - 1990). Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khamtay Siphandon, Kaysone Phomvihane - 2 lãnh tụ của cách mạng Lào.

Vũ Việt – Hải Bình

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bi-mat-thanh-bao-kiem-ban-lao-trao-tang-tuong-huynh-dac-huong-77067.html