Bên dải Trường Sơn Đông
Ở các xã vùng cao của huyện Sơn Tây, kể từ ngày đường Trường Sơn Đông được xây dựng, đưa vào sử dụng đã giúp hàng nghìn hộ dân nơi đây đổi đời; bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc.
Năm 2005, Chính phủ quyết định đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng mở con đường Trường Sơn Đông hơn 670km, đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi hơn 37km, đi qua các xã Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Dung và Sơn Long (Sơn Tây).
Trung tuần tháng 3/2024, khi hoa gạo bung nở, chúng tôi về thăm một số ngôi trường nằm bên cung đường Trường Sơn Đông ở huyện Sơn Tây. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long, ở cuối cung đường Trường Sơn Đông, giáp với tỉnh Kon Tum. Chúng tôi đến đúng vào lúc nhà trường tổ chức chương trình “Ngày hội thiếu nhi vui khỏe”. Mỗi học sinh như một bông hoa miền sơn cước, trang phục gọn gàng, khuôn mặt tươi vui, hòa vào những câu hát, điệu nhảy đồng diễn của ngày hội. Ngôi trường đã được xây dựng khang trang, chỗ ở của học sinh khang trang hơn; bữa cơm bán trú có đủ thịt, cá, rau. Ánh sáng văn hóa hiện diện nơi rẻo cao này qua những mái trường trên con đường Trường Sơn Đông.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Long chia sẻ, con đường Trường Sơn Đông mở ra đã xóa đi những nhọc nhằn của chuyện dạy và học ở đây. Trường lớp khang trang, đường đi học cũng dễ dàng, thuận lợi. Rồi chính sách dành cho học sinh bán trú cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời. Bây giờ ở Sơn Long, học sinh được học tập trong môi trường đúng với tinh thần của ngành giáo dục “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Các thầy cô giáo sau bao năm vất vả, giờ đã được an tâm cống hiến với nghề mình đã chọn.
Mùa này, đồng bào ở vùng cao thu hoạch đót, keo. Có đường lớn, xe tải về tận làng thu mua với giá cao, người dân phấn khởi. Những nếp nhà sàn không còn trên cao nơi sườn đồi, người dân đã dời về sinh sống bên cung đường Trường Sơn Đông. Hàng hóa, dịch vụ được mở ra hai bên đường.
Mỗi lần tác nghiệp ở vùng cao Sơn Tây, chúng tôi được chạy xe trên đường Trường Sơn Đông để về các khu dân cư vùng đồng bào Ca Dong sinh sống. Khi thì phản ánh tình đoàn kết ở khu dân cư, lúc lại là viết về gương già làng tiêu biểu, mô hình kinh tế hiệu quả, nét mới trong giáo dục, thành quả của sự chung sức xây dựng nông thôn mới... Mỗi lần đi lại trên con đường thênh thang ấy, chúng tôi lại nghĩ về những năm tháng gian lao trên đường mòn tải đạn của lớp lớp cha anh đi trước, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Đường Trường Sơn đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, là minh chứng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, để rồi đến hôm nay con đường này rộng mở, mái nhà sàn ngói đỏ tươi, cây cối xanh ngút ngàn, tiếng trẻ râm ran gọi nhau đến trường...
Địa giới hành chính phân chia xã Sơn Bua (Sơn Tây) và xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là cầu Ra Ngói bắc qua một con suối nhỏ. Đây là vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam trên cung đường Trường Sơn Đông. Bao đời nay, người dân hai địa phương này sống thuận hòa, đoàn kết. Người già ở hai xã từng là bạn chiến đấu một thời vượt Trường Sơn mưa bom đạn lửa, cùng quyết tâm giải phóng quê hương. Trai, gái ở xã Trà Vân và xã Sơn Bua, nhiều người kết duyên vợ chồng, cùng nhau lập nghiệp và xây nên ngôi làng được mệnh danh là "làng hữu nghị”.
Ở ngôi “làng hữu nghị” này có già làng Đinh Văn Canh (84 tuổi), là hạt nhân đoàn kết của làng, hiện sống ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua. Già Canh đã đưa chúng tôi đi sang xã Trà Vân gặp Bí thư Chi bộ thôn 3 Đinh Văn Ngọc và một số già làng, người có uy tín nơi đây nắm bắt tình hình đời sống của người dân. Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Vân Đinh Văn Ngọc cho biết, già Canh thường sang thôn 3 để trao đổi các công việc liên quan đến 2 địa phương. Già Canh là người hiểu biết lại “giỏi ăn nói”, bản thân ông cũng rất mẫu mực nên người dân trong thôn rất tin tưởng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết già Canh là người Ca Dong ở xã Trà Vân. Trong chiến tranh, ông cùng với thanh niên trong làng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở khắp các vùng núi của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Người dân xã Trà Vân và xã Sơn Bua đã chia nhau từng nắm cơm, củ sắn, đồng cam cộng khổ để đánh giặc. Ngày hòa bình, ông theo vợ về lập nghiệp và sinh sống ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua. Giờ đây, con trai và con gái của ông đã lập gia đình và xây dựng cuộc sống mới ở xã Trà Vân. Vậy nên đối với ông, về Trà Vân cũng chính là về nhà. Già Canh hiểu rõ phong tục, tập quán của người dân trong làng. Nhiều người dân ở thôn 3, xã Trà Vân thường gặp ông để chia sẻ vui, buồn, hỏi ý kiến ông khi gặp điều phiền muộn, lo âu.
Mùa này, người dân “làng hữu nghị” đang cùng nhau lên núi trồng keo, mì và khai thác, hưởng lợi từ các sản vật dưới tán rừng. Người làng coi đây là thành quả từ chung sức bảo vệ rừng, lộc từ rừng sẽ cùng nhau thụ hưởng. Những sản vật quý từ rừng, con cháu trong làng tìm được đều đem biếu các già làng, như tri ân những người một thời khó nhọc gìn giữ tấc đất quê hương.
Chiều xuống, chúng tôi chia tay người dân “làng hữu nghị”, xuôi về thành phố và lại một lần nữa được đi trên con đường tuyệt đẹp Trường Sơn Đông. Đường quen, cảnh cũ nhưng mỗi lần qua đây, lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc mới mẻ. Yêu cung đường và nặng lòng biết ơn những người đã một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Thực hiện: NHỊ HOA
Trình bày: Q.DUYÊN