BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Viết Hà

Đồng thời, luật hóa các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), xây dựng khu vực biên giới (KVBG), xây dựng nền biên phòng toàn dân, hệ thống chính trị cơ sở, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tạo thuận lợi cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính đồng bộ trong thực thi pháp luật ở biên giới. Đây là quan điểm nhất quán của các đại biểu tham dự Hội nghị tọa đàm về dự thảo Luật BPVN do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức trong tháng 7-2020, tại thành phố Hải Phòng và 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Kiên Giang.

Tại các hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật BPVN, phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Luật BPVN; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP; lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng... Các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ BGQG. Đồng thời, xây dựng BĐBP đáp ứng vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.

Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, dự thảo Luật BPVN được chuẩn bị công phu, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Luật BPVN khi được ban hành là cơ sở pháp lý để đảm bảo tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; nâng cao địa vị pháp lý của BĐBP trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG và công tác đối ngoại...

Để làm rõ thêm về tên gọi của Luật BPVN, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng dđoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật BPVN đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Chiến lược bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Bên cạnh đó, trong hệ thống pháp luật hiện nay, có một số luật như Luật Biển Việt Nam, Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam... đều gắn với cụm từ “Việt Nam”. Đây là những luật mà nội dung điều chỉnh những vấn đề, lĩnh vực, phạm vi liên quan trực tiếp đến các quan hệ quốc tế, cần thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể Nhà nước Việt Nam. Biên phòng và hoạt động biên phòng liên quan trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, cần thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể và cao hơn nữa là quốc thể Việt Nam ngay trong tên gọi của luật là cần thiết. Vì vậy, tên gọi Luật BPVN là hoàn toàn phù hợp.

Về quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP được nêu trong dự thảo Luật BPVN, nhiều đại biểu khẳng định, không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Cũng theo ông Lê Việt Trường, dự thảo Luật BPVN đã luật hóa được chức năng nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên bộ, trên không, trên biển và chức năng nhiệm vụ của BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh BGQG, các lợi ích kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Thực tiễn hơn 61 năm qua cho thấy, BĐBP thực thi có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG; duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước đánh giá cao. Theo ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng: BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ trì duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại...

Ngoài ra, BĐBP đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân biên giới, hải đảo xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác ngoại giao quốc phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP đã kịp thời triển khai lực lượng và duy trì hàng nghìn tổ, chốt bám trụ 24/24 giờ để phòng, chống dịch bệnh. “Từ thực tiễn, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP, việc ban hành Luật BPVN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; xây dựng KVBG ngày càng phát triển...” - Ông Trần Quang Tường nhấn mạnh.

Để làm rõ thêm vấn đề này, tại cuộc tọa đàm được tổ chức ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; BĐBP còn có nhiều hoạt động, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại, xây dựng KVBG bình yên. Qua nghiên cứu dự thảo Luật BPVN cho thấy, các điều khoản quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng rất cụ thể, chặt chẽ, không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật BPVN quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là tuân thủ đúng nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc, có việc là chủ trì, có việc tham gia phối hợp”. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.

Ngoài thảo luận về những quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, các đại biểu đi sâu phân tích về chế độ chính sách trong thực thi nhiệm vụ biên phòng và chính sách cho BĐBP. Các ý kiến đều đề nghị chú trọng, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho nhân dân KVBG; trong đó, chú trọng trong việc tăng cường chính sách đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ phát triển KVBG vững mạnh...

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, trong hơn 61 năm qua, vai trò của BĐBP rất rõ nét, rất to lớn, BĐBP có mặt hầu hết ở các mặt trận. Không chỉ bảo vệ an ninh BGQG, mà còn tham mưu chính quyền địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, tuyên truyền chính sách pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG. Trong bối cảnh ở KVBG luôn phải tiếp cận, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn lậu ngày càng manh động như hiện nay, BĐBP đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, thực tế thì chính sách dành cho BĐBP còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần bổ sung vào dự thảo chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, để cán bộ BĐBP yên tâm công tác.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-la-luc-luong-nong-cot-chuyen-trach-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post433467.html