BĐBP các tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và chế phẩm từ lợn qua biên giới

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành có biên giới đã cấp tập triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế và ngăn chặn dịch lây lan.

Một chốt kiểm dịch, tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra vào trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dienbienphu Online

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1-2 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 17 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An. Có 23.442 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.

BĐBP Điện Biên sẵn sàng tham gia ứng phó, dập dịch

Tại Điện Biên, Chi cục Thú y cho biết, bệnh dịch tả lợn xuất hiện từ ngày 4-3 và cho tới thời điểm hiện tại đã xác định dịch xảy ra tại các xã: Rạng Đông, Ta Ma, Mường Mùn, (huyện Tuần Giáo) và tại bản Huổi Cắm, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng). Ngày 13-3, đơn vị chuyên môn đã lấy 2 mẫu lợn chết tại bản Huổi Cắm, xã Búng Lao tiến hành xét nghiệm, trong đó một mẫu cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Được biết, Toàn bộ số lợn chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi đã được tiêu hủy theo quy định.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y Điện Biên, nguyên nhân xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại bạn Huổi Cắm ban đầu được xác định là do ngày 1-3-2019, một người dân bản Huổi Cắm mang thịt lợn sống từ xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo (nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh) mang về bản Huổi Cắm ăn, khiến dịch lây sang đàn lợn của gia đình.

Hiện trên khu vực biên giới Điện Biên chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp phòng dịch và phối hợp với chính quyền và cơ quan y tế địa phương sẵn sàng ứng phó, dập dịch, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý lợn và sản phẩm thịt lợn qua lại khu vực biên giới. Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng dịch tả và các dịch khác theo mùa.

BĐBP Sơn La giám sát chặt các khu vực có lợn chết hàng loạt

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La, trên khu vực địa bàn Đồn Biên phòng Mường Lèo và Nậm Lạnh xảy ra hiện tượng lợn và dê chết hàng loạt. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

Thượng tá Lù Thị Luyến, Trưởng Ban Quân y BĐBP Sơn La cho biết, thực hiện công điện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã có điện yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung trong công điện, đặc biệt, thực hiện tốt việc nghiêm cấm mọi hình thức tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt lợn nhập lâu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc kể cả hình thức cho tặng của các cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Trước hiện tượng lợn, dê chết hàng loạt trên địa bàn Đồn Biên phòng Mường Lèo và Nậm Lạnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã chỉ đạo 2 đồn Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc cả khu vực. Ngoài ra, các đồn Biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương lập chốt chặn, không lợn và sản phẩm thịt lợn trong khu vực bị bệnh được vận chuyển ra bên ngoài.

BĐBP Lạng Sơn tăng cường kiểm soát tại các đường mòn, lối mở

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã quán triệt các đơn vị xây dựng kế hoạch ngăn chặn hoạt động xuất nhập lợn và sản phẩm thịt lợn từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, BĐBP Lạng Sơn cũng tổ chức các đội tuyên truyền phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi, vận động người dân không mua bán, vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, hiện đơn vị đang in tờ rơi tuyên truyền, phổ biến cho người dân trong đó có nội dung, kiến thức về bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại khu vực biên giới, BĐBP Lạng Sơn đã thành lập các chốt, tăng cường kiểm soát tại các đường mòn, lối mở nhất là ở các khu vực có nhiều khả năng cao diễn ra hoạt động vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, lợn và các sản phẩm thịt lợn.

Quảng Ninh: Kiên quyết không cho sản phẩm mắc bệnh vào địa bàn

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 7 chốt kiểm soát liên ngành; các địa phương trong tỉnh đã thành lập 11 chốt liên huyện; thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch; lập đường dây nóng báo cáo dịch bệnh; hướng dẫn quy trình xử lý ổ dịch.

Ngoài ra, các địa phương còn thành lập các tổ cơ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, điểm tập kết, các chợ có buôn bán lợn sống, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở…

Cán bộ Thú y tỉnh Quảng Ninh triển khai khử trùng khu vực phát hiện lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Dù đã chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa nhưng dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại Quảng Ninh với ổ dịch đầu tiên được phát hiện ngày 8-3 tại TX Đông Triều. Đến ngày 14-3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 7 ổ dịch tại 7 xã, phường thuộc 4 huyện: Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên và Uông Bí.

Tại cuộc họp trực tuyến sáng 15-3, chỉ đạo cấp bách công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã yêu cầu tại các chốt chặt, nhất là tại các tuyến đường biển, sông, biên giới phải kiểm soát nghiêm ngặt, nếu có kết quả dương tính với bệnh phải kiên quyết không cho vào địa bàn.

Các địa phương phải nắm được số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn từng xã để có giải pháp phòng, chống kịp thời. Tại 4 địa phương có dịch phải xử lý triệt để, không để phát sinh thêm ổ dịch.

BĐBP Thanh Hóa tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị phòng chống dịch, trong đó tập trung phối hợp với chính quyền địa phương tham gia kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, mua bán lợn và các sản phẩm thịt lợn. Đối với các đơn vị Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng lượng thực phẩm tại chỗ.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại

Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng đẩy mạng các biên pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập, nhất là ở địa bàn biên giới.

Lực lượng BĐBP và các cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới đã kết hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, triển khai các đội công tác đến từng địa bàn, từng hộ gia đình cụ thể để tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi lợn biết về sự nguy hiểm, tác hại của dịch tả lợn châu phi, đồng thời hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng quanh khu vực chăn nuôi.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phu tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, lực lượng BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương và Hải quan cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch và các lực lượng liên quan đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu về phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi được treo ở dọc hai bên cửa khẩu để tuyên truyền người dân nhận biết và nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã cử cán bộ đến các hộ gia đình trên địa bàn tuyên truyền trực tiếp và tổ chức họp dân tuyên truyền tập trung ở địa bàn 2 bản giáp biên giới về các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi, tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại, cũng như không sử dụng, mua bán, vận chuyển các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc qua lại biên giới.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Nậm Cắn. Ảnh: Hải Thượng

Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng chỉ đạo Trạm kiểm soát tăng cường lực lượng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt tại cửa khẩu, đường mòn để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng chủ động các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị. Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn đang triển khai đề án chăn nuôi lợn nái sinh sản để cung cấp con giống cho người dân biên giới. Trước nguy cơ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng bệnh, tiêu độc, phun thuốc khử trùng, đăc biệt chú ý đến các lứa lợn nhỏ, mới sinh sản, rất dễ nhiệm bệnh.

Quảng Trị: Triển khai 2 chốt chặn từ xa

Quảng Trị có vị trí địa lý dọc theo các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh; đường biên giới Việt - Lào dài nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.

Trước nguy cơ này, tỉnh Quảng Trị đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật liên ngành phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên Quốc lộ 1A thuộc thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (giáp với tỉnh Quảng Bình); chốt thứ hai trên đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh. Các chốt thường trực 24/24 giờ, nhằm kiểm tra, kiểm soát và khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

Ngày 11-3, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp triển khai khẩn cấp với các cơ quan ban, ngành, địa phương liên quan các giải pháp phòng chống, khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trước nguy cơ ảnh hưởng đến địa phương.

Theo đó, bên cạnh công tác kiểm dịch, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu chính quyền các địa phương tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn việc vận chuyển lợn chưa qua kiểm dịch vào nội địa.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-cac-tinh-kiem-soat-chat-che-viec-van-chuyen-lon-va-che-pham-tu-lon-qua-bien-gioi/