Bay treo trên sóng bạc đầu...

'Chong chóng' dần tăng tốc độ vòng quay. Từ sân bay Gia Lâm, chiếc trực thăng EC-155B1 vút lên không trung. Cảnh sắc phía bắc Thủ đô Hà Nội dần hiện ra phía dưới khoang lái máy bay. Vùng đất Tứ Liên (Tây Hồ) đã óng ánh vàng màu quất. Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến rất gần. Kỷ niệm về những chuyến bay của năm cũ lại ùa về với tổ bay...

2020 là một năm lưu dấu nhiều chuyến bay “để đời” đối với Công ty Trực thăng miền Bắc (CTTTMB), Binh đoàn 18. Cùng với sản xuất, kinh doanh, công ty còn thực hiện bay nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Nhiều chuyến bay trong điều kiện khó khăn, phức tạp đã được công ty thực hiện trong năm qua như: Bay MIA trên địa hình rừng núi, bay cấp cứu y tế trên biển xa... Những ngày tháng 10-2020, công ty lại nhận một nhiệm vụ đột xuất, phức tạp và chưa có tiền lệ. Thượng tá, phi công cấp 1 Phạm Văn Dũng, Giám đốc CTTTMB nhớ lại: Sáng 8-10-2020, công ty nhận lệnh từ Binh đoàn 18 là khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị, sẵn sàng bay vào khu vực biển Cửa Việt (Quảng Trị) để giải cứu thuyền viên trên tàu Vietship 01 đang gặp nạn.

Trực thăng của Binh đoàn 18 thực hiện bay treo cứu thuyền viên trên tàu Vietship 01 gặp nạn tại bờ biển Quảng Trị, tháng 10-2020. Ảnh: VIỆT LINH

Trực thăng hiện đại EC-155B1 được lựa chọn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Tổ bay là hai phi công cấp 1, thường xuyên tham gia các nhiệm vụ bay trên biển, gồm: Đại tá Trần Quang Tuấn, Chủ nhiệm bay (có 8.000 giờ bay trên nhiều loại trực thăng) và Thiếu tá Lê Hải Đăng, Phó giám đốc công ty (có 1.600 giờ bay tích lũy). Lực lượng làm nhiệm vụ vận hành trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn là các nhân viên dạn dày kinh nghiệm, gồm: Thiếu tá QNCN Đinh Văn Đang và Đại úy QNCN Ngô Tiến Dũng.

13 giờ 30 phút ngày 9-10, tổ bay cất cánh vào Cửa Việt. Hành trình bay ra vị trí tàu Vietship 01 gặp nạn thực sự là thử thách cam go đối với tổ bay. Thiếu tá Lê Hải Đăng cho biết: "Lúc đó trời đã tối nên tầm nhìn hạn chế; tốc độ gió rất lớn, khoảng 25m/giây và giật mạnh. Khi thả đầu dây có buộc thức ăn và phao cứu sinh xuống tàu, chúng tôi phải bay treo ở độ cao cách tàu khoảng 10m... Những yếu tố đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao, do trực thăng dễ trồi sụt mất độ cao hoặc dây có thể bị mắc vào ống khói và các trang thiết bị khác trên tàu".

Sau khi thả được một đầu dây xuống tàu Vietship 01, trực thăng bay “dẫn dây” về phía bờ theo cách thức “treo rê”, với tốc độ như... người đi bộ, chỉ khoảng 5km/giờ, nhằm bảo đảm cho tốc độ bay ăn khớp với tốc độ thả dây. Mặc dù quãng đường bay chưa đầy cây số, song phải sau 10 phút, trực thăng mới về đến bờ. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới cũng là lúc trời đã tối mịt. Ngay sau đó, tổ bay nhận nhiệm vụ từ Binh đoàn 18: “Sáng hôm sau thực hành bay cẩu vớt các thuyền viên trên tàu gặp nạn”. Phương án bay lập tức được vạch ra. Căn cứ vào thông tin có được, tổ bay xác định thứ tự ưu tiên cứu nạn từng thuyền viên. Cáng, tời cẩu và các trang thiết bị liên quan được kiểm tra, chuẩn bị kỹ lưỡng lần cuối. Tổ bay tiến hành hiệp đồng kỹ về khẩu lệnh, động tác, các phương án xử lý bất trắc. Ngay trong đêm hôm đó, lực lượng của Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không (Quân chủng Phòng không-Không quân) cũng khẩn trương cơ động vào sân bay Đồng Hới, tiến hành hiệp đồng phương án cẩu vớt với tổ bay.

Gần 6 giờ ngày 10-10, trực thăng EC-155B1 cất cánh từ sân bay Đồng Hới, chọn bãi hạ cánh cách tàu Vietship 01 khoảng 2km để tối ưu hóa các chuyến bay cứu nạn. Sau khi trao đổi, nắm tình hình, thống nhất phương án với lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên mặt đất, tổ bay khẩn trương cất cánh. Bởi theo dự báo, chỉ còn ít giờ nữa là bão số 6 sẽ áp sát đất liền. Tốc độ gió lớn, khoảng 30m/giây; sóng biển cao 5m. Theo hiệp đồng, phi công lái chính tập trung vào công tác điều khiển máy bay, làm chủ số liệu, đưa máy bay vào đúng vị trí tàu; phi công còn lại tăng cường quan sát, quản lý tình hình bên ngoài máy bay; hai nhân viên vận hành tời cẩu thả lực lượng của Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không xuống tàu Vietship 01. Ba chuyến bay con thoi với tổng thời gian khoảng 40 phút lần lượt đưa các thuyền viên vào bờ.

Là nhân viên có nhiệm vụ điều khiển tời cẩu cứu hộ, cứu nạn, Đại úy QNCN Ngô Tiến Dũng phải khắc phục nhiều khó khăn trong quá trình bay. Anh tâm sự: "Trong điều kiện thời tiết bất lợi như vậy, việc thả tời rất khó khăn do phải chống xoay cẩu, chống căng dây, chùng dây sai thời điểm, đồng thời bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn và các thuyền viên. Nhờ sự hiệp đồng nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các thành phần nên hoạt động cứu hộ, cứu nạn thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện".

Đợt bay cứu hộ, cứu nạn vừa qua thực sự là những chuyến bay đặt ra thử thách ngặt nghèo đối với tổ bay nói riêng và CTTTMB nói chung, song cũng mang lại những kinh nghiệm vô cùng hữu ích. Theo Thượng tá Phạm Văn Dũng, kết quả từ đợt bay đã khẳng định, để tổ chức thành công những chuyến bay phức tạp, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải chu đáo, có kế hoạch khoa học và phương án bay cụ thể; phi công, máy bay, phương tiện, trang bị phải được lựa chọn phù hợp với từng nhiệm vụ. Quan trọng hơn, phải tổ chức huấn luyện thường xuyên, sát điều kiện thực tế để qua đó nâng cao trình độ, năng lực cho các thành phần. Đợt bay vừa qua cũng là bài sát hạch chính xác, thực chất nhất đối với việc thực hiện nhiệm vụ trực cấp 2 cứu hộ, cứu nạn mà Bộ Quốc phòng và Binh đoàn 18 giao cho CTTTMB.

PHẠM HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-qdnd-xuan-tan-suu-2021/bao-qdnd-hang-ngay-xuan-tan-suu-2021/bay-treo-tren-song-bac-dau-650979