Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền
Chính sách tôn giáo của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, được thể hiện qua các văn kiện chính trị của Đảng và các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành.
Căn cứ các quy định của pháp luật về bầu cử, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài viết “Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Những con số biết nói.”
Bài 3: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền
Chính sách của Đảng và Nhà nước ta thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng tự do tín ngưỡng, đại đoàn kết dân tộc, mọi tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau. Ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố và thực hiện chính sách tôn giáo hợp lòng dân, tiến bộ và hợp thời đại.
Chính sách tôn giáo của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Chính sách này được thể hiện qua các văn kiện chính trị của Đảng và các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành.
Lẽ sống tốt đời, đẹp đạo
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân.
Nước ta là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 25,4 triệu tín đồ, trong đó Phật giáo có trên 10 triệu người, Công giáo - 6,1 triệu người, Tin lành - 1,5 triệu người… Nhà nước đã công nhận và cấp phép hoạt động cho 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo.
Tại Kỳ họp thứ 2 (ngày 18/11/2016) Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đây là sự kiện nổi bật nhất trong nhiệm kỳ này của Quốc hội đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…
Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Để phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo,” tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 1563/BNV-TGCP gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công văn do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng ký, nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện trọng đại đối với cử tri cả nước, trong đó có đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
Việc tham gia bầu cử không chỉ là quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao của mỗi công dân Việt Nam, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ xây dựng và phát triển, từ khóa I đến khóa XIV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia.
Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo được giáo hội giới thiệu, nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhân dân các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung, của đồng bào tôn giáo nói riêng.
Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo quan tâm, phổ biến cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong bộ máy nhà nước; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với đất nước; khẳng định rõ đây là công việc quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân, là nơi để cử tri, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo phát huy quyền làm chủ, lựa chọn để bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong độ tuổi theo quy định của pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia bầu cử; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang truyền thông của giáo hội hoặc thông qua các buổi lễ, sinh hoạt tôn giáo để động viên, hướng dẫn tín đồ, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử và sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kêu gọi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có đạo hạnh và uy tín với quần chúng nhân dân, với tổ chức tôn giáo; có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, là những công dân tốt, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có năng lực, sức khỏe và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo cần hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thường xuyên nêu cao cảnh giác, không nghe theo sự xúi giục, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu; chủ động kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng và tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động phá hoại cuộc bầu cử.
Quôc hội khóa XIV (2016-2021) có 21 người ngoài đảng trúng cử đại biểu, trong đó có 6 vị chức sắc tôn giáo, gồm Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm; Linh mục Nguyễn Văn Riễn; ni sư Thích Nữ Tín Liên; Hòa thượng Thích Chơn Thiện; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Bạch Y Trần Văn Huynh.
Các tôn giáo và cuộc bầu cử sắp tới
Theo thông tin của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn đầu vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, một số chức sắc tôn giáo có tâm lý e ngại do vướng quy định của giáo hội là không được đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền.
Thêm nữa, việc tham gia hoạt động của người đại biểu của nhân dân cũng ảnh hưởng tới thời gian hoạt động mục vụ và phục vụ tín đồ.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ, cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm tốt công tác vận động, thuyết phục nên đa số chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo đều bày tỏ sự hưởng ứng tích cực đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới; cam kết với Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử và tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ứng cử, bầu cử.
Trong ngày bầu cử 23/5/2021 (trùng với lễ Chúa nhật trong Công giáo và Tin lành) các chức sắc sẽ bố trí lịch sinh hoạt tôn giáo hợp lý để các tín đồ có thể tham gia cuộc bầu cử một cách thuận lợi nhất.
Nhiều tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền tới các chức sắc, chức việc, tín đồ về mục đích, ý nghĩa của việc ứng cử, bầu cử; vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ nêu cao ý thức và trách nhiệm công dân, tự giác, tích cực, chủ động tham gia bầu cử tại địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người, trong đó 207 đại biểu Quốc hội ở các cơ quan trung ương (41,4%) và 293 đại biểu ở địa phương (58,6%).
Cơ cấu định hướng các đại biểu Quốc hội ở địa phương như sau: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 9 đại biểu (1,8%); Công đoàn 6 đại biểu (1,2%); Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 5 đại biểu (1,0%); Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 7 đại biểu (1,4%); chức sắc các tôn giáo 6 đại biểu (1,2%)…
Tiến sỹ Hà Quang Trường (Bộ Nội vụ) cho biết, để bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật, ngăn chặn sự xâm lấn của các trào lưu tôn giáo cực đoan, tôn giáo bị thế lực chính trị phản động lợi dụng; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức của dân tộc trong các truyền thống tôn giáo thì các phương hướng và giải pháp cần được áp dụng như sau:
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về tôn giáo, tín ngưỡng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các văn bản chỉ đạo về công tác tôn giáo, tín ngưỡng của Trung ương.
Theo đó, tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu về tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, sẽ tiếp tục tồn tại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chức sắc, tín đồ tôn giáo là đồng bào, là công dân Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Tôn giáo, các tổ chức tôn giáo là những thực thể xã hội đã và đang thích ứng với chủ nghĩa xã hội; có khả năng và quyền tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Nhanh chóng xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần của Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; rà soát, đồng bộ các quy định có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật; xóa các lỗ hổng về pháp lý, tạo tâm lý an lạc trong đồng bào có đạo, đồng thời bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp, bắt đầu từ cơ sở.
Xây dựng kế hoạch, tạo nguồn tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức cho ngành quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp từ đội ngũ được đào tạo đúng và gần với ngành tôn giáo học; từ cán bộ, công chức đã công tác lâu năm trong các cơ quan dân vận, mặt trận.
Xây dựng và hoàn thiện một chiến lược tổng thể phát triển ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trong cơ cấu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực./.